Lãi suất giảm, chờ đợi gì từ nhóm cổ phiếu bất động sản?
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Minh Hoàng từ Chứng khoán Nhất Việt, giá cổ phiếu của nhóm bất động sản đã bị chiết khấu quá sâu. Trong môi trường lãi suất hạ nhiệt hiện nay, nhóm này khả năng sẽ bớt khó khăn hơn, tuy nhiên cần nhìn trong khung dài hạn.
Nhóm cổ phiếu bất động sản bắt đầu đà giảm mạnh từ tháng 4/ 2022, nhiều cổ phiếu bị giảm 60-70%, thậm chí có mã giảm tới 90%. Khá nhiều chính sách mới được ban hành như Nghị quyết số 33 của Chính phủ gợi mở nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; Quyết định số 313 và 314 của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt kỳ vọng về sự hồi phục của nhóm ngành này.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), chia sẻ với nhà đầu tư, những khó khăn của ngành bất động sản như vấn đề pháp lý, nguồn vốn bị vướng, thanh khoản ít hay tín dụng khó tiếp cận... đã được nhắc đến quá nhiều, không có gì mới. Tất cả đã được phản ánh rất rõ trên thị trường khi gần như không có dòng tiền lớn chảy vào nhóm này, giá cổ phiếu bị chiết khấu mạnh.
"Tuy nhiên hiện nay đà giảm của nhóm bất động sản đã dừng, thậm chí đã tăng tính từ mức đáy của tháng 11", ông Hoàng cho biết.
Việc lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm, theo ông, là bước đi táo bạo và linh hoạt của Chính phủ, thể hiện rõ mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế. Và đây là điều có lợi cho thị trường chứng khoán nói chung và nhóm bất động sản nói riêng.
Bất động sản là tài sản tài chính, liên quan cốt lõi đến lãi suất. Nếu lãi suất có xu hướng giảm thì nhóm này sẽ bớt khó khăn hơn, tuy nhiên cần có thời gian để các chính sách ngấm dần. Giá cổ phiếu bất động sản sẽ trong xu hướng phục hồi nhưng cần tính trong khung dài hạn, bởi đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế và có hiệu ứng lan toả mạnh đến nhiều ngành khác.
"Lãi suất điều hành không thể nào đưa ra 'sớm nắng chiều mưa' mà thường đã có tính đoán của nhà điều hành để xử lý bước tiếp theo. Xu hướng thắt chặt tiền tệ có thể đã kết thúc để chuẩn bị cho xu hướng hạ lãi suất. Mặc dù vậy việc hạ lãi suất khả năng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó bình ổn, chứ không thể giảm sâu, quay lại vùng giá rẻ như năm 2020-2021", ông bày tỏ quan điểm.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Giám đốc phân tích của VFS cho biết, những nhóm ngành thâm dụng vốn sẽ được hưởng lợi nếu lãi suất đi xuống như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, ngành năng lượng hay ngành sản xuất công nghiệp nặng như đá, thép với mức đầu tư lớn; tiếp đến là nhóm ngành thương mại điển hình như bán lẻ.
Nhà đầu tư xem trên báo cáo tài chính, nếu doanh nghiệp nào có tỷ lệ nợ vay lớn hơn vốn chủ thì chắc chắn thuộc ngành thâm dụng vốn.
Về việc hai ngân hàng của Mỹ sụp đổ là Silicon Valley (SVB) và Signature (Signature Bank), theo chuyên gia, đâu đó lại mang điều tích cực cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam, Fed được nhận định tăng lãi suất thấp 0,25% hoặc không tăng.
Nếu Fed bớt diều hâu thì áp lực tỷ giá của Việt Nam sẽ không còn cao và như vậy, Việt Nam có nhiều dư địa hỗ trợ nền kinh tế. Mối quan tâm của Ngân hàng Nhà nước sẽ dịch chuyển dần từ kiểm soát tỷ giá sang hỗ trợ nền kinh tế.
"Vấn đề của chúng ta nằm ở lạm phát và lãi suất, hiện nhiều lãi suất đã giảm, một vài tháng tới hy vọng ngấm vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay giảm 0,5-1%. Rõ ràng dòng tiền bớt đắt đỏ và tốt hơn rất nhiều", ông Hoàng chia sẻ.