Chứng khoán đồng loạt 'xanh' vì đâu?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán bật tăng mạnh mẽ hơn 22 điểm, trong đó dẫn đầu là nhóm chứng khoán với mức tăng trung bình hơn 7%, thành quả tích cực khi thị trường dồn dập đón nhận nhiều tin vui.
Thị trường chứng khoán bất ngờ đảo chiều. Nếu phiên ngày 14/3, chỉ số VN-INdex mất hơn 12 điểm thì hôm nay, 15/3, chỉ số này dễ dàng bật tăng hơn 22 điểm, chốt tại 1.062 điểm mà không hề gặp một rào cản lớn nào. Đà tăng khá đồng thuận trên toàn thị trường.
Nổi bật nhất là nhóm chứng khoán với 12 mã tăng kịch trần, trong đó có SSI, VND, VCI, HCM, VIX... với mức tăng từ 6-7%; riêng SHS tăng trên 9%. Tiếp đó là nhóm vật liệu xây dựng, bán lẻ đều giữ đà tăng tốt trên 3%.
Thanh khoản trên cả ba sàn bật lên trên 12 ngàn tỷ đồng. Khối ngoại vẫn tiếp nối đà mua ròng với hơn 200 tỷ đồng giá trị mua ròng trên HoSE.
Thị trường đã có một phiên giao dịch đầy hào hứng và sôi nổi trong bối cảnh nhiều tin vui dồn dập.
Trước hết, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm lãi suất điều hành, có hiệu lực từ hôm nay, 15/3, tập trung vào lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với một số lĩnh vực ưu tiên.
Động thái trên được nhiều chuyên gia đánh giá là nỗ lực tích cực của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong bối cảnh lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng tạo niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần khơi thông dòng tiền tìm về với thị trường chứng khoán.
Mỹ cũng vừa công bố CPI tháng 2, giảm xuống 6% từ mức 6,4% của tháng trước. Chỉ số này hiện đã giảm 1/3 so với mức đỉnh hơn 9% vào tháng 6 năm ngoái. Trong khi đó, sự sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) dường như không còn khiến thị trường trong nước lo lắng.
"Tổng tài sản (tính đến 31/12/2022) của SVB (209 tỷ đô la) và SB (110 tỷ đô la) là khá nhỏ so với top 15 ngân hàng lớn nhất của Mỹ xét về tổng tài sản; và vấn đề của SVB chủ yếu là do sự không phù hợp về sự chênh lệch đáo hạn giữa tài sản có/nợ phải trả, trong khi vấn đề của SB là hệ quả của việc rút tiền hàng loạt", báo cáo từ Công ty Cổ phần chứng khoán Mirae Asset cho biết.
Đây được xem là những trường hợp cá biệt hơn là những rủi ro mang tính hệ thống, thậm chí còn khiến Fed chậm tăng lãi suất. Hiện những nhận định về việc tăng lãi suất của Fed trước đây hoàn toàn thay đổi, kỳ vọng chỉ là tăng 25 phần trăm hoặc thậm chí là không tăng lãi suất đang tạo nên điểm sáng cho thị trường trong nước.
Trong khi đó, dòng vốn ngoại chuyển hướng mua ròng, hứa hẹn dòng tiền lớn đến từ các quỹ ETFs đổ vào chứng khoán trong nước. Sự dần trở lại của ngành du lịch khi các tour Trung Quốc được nối lại, giải ngân đầu tư công tăng tốc, sản xuất trong nước kỳ vọng khởi sắc... cũng được xem là tiền đề quan trọng để chứng khoán tăng điểm.
Cùng đó, với sự ra đời của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP góp phần tháo gỡ khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các doanh nghiệp bất động sản.
Có thể nói, nhiều tia sáng trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Theo các chuyên gia của VCBS, "xét về khung đồ thị giờ, các chỉ báo đồng loạt cho tín hiệu hướng lên tích cực, cùng với diễn biến vượt lên trên mây của VN-Index cho thấy thị trường đang thể hiện sự lạc quan và có khả năng sẽ nối dài nhịp phục hồi lên trên khu vực 1.070-1.080 điểm".
Mặc dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo: "Nhà đầu tư vẫn cần duy trì tâm lý thận trọng và chỉ giải ngân mua cổ phiếu ở những nhịp điều chỉnh cũng như hạn chế mua đuổi khi cổ phiếu đã tăng mạnh".