Đằng sau làn sóng thâu tóm doanh nghiệp phương Tây của Trung Quốc
(DNTO) - Doanh nghiệp phương Tây được công ty Trung Quốc dùng để né một số quy định nhằm tiếp cận thị trường châu Âu cũng như có thêm kiến thức chuyên môn sản xuất.
Đã nhiều thập kỷ trôi qua, Công ty Valdunes SAS thường bán sản phẩm phụ tùng cho tàu cao tốc và hệ thống đường sắt trên khắp thế giới ở mức giá khá cao. Tuy nhiên, khi công ty Trung Quốc Maanshan Iron & Steel Co hay còn gọi là MA Steel mua lại năm 2014, chiến lược bán hàng của Valdunes SAS đã thay đổi.
MA Steel lập tức hạ giá trong nỗ lực thâu tóm thị trường. "Chúng tôi đã được đề nghị không để lỡ một đơn đặt hàng nào. Điều đó là hiển nhiên. Họ quan tâm đến việc tăng cường sức mạnh kinh tế", cựu Giám đốc điều hành của Valdunes SAS - ông Jérôme Duchange, chia sẻ. Chiến lược đó khiến cho Valdunes lỗ chồng lỗ nhưng phía Trung Quốc khẳng định Valdunes hoàn toàn có thể tăng giá sản phẩm sau khi giành thị phần.
Thua lỗ tại Valdunes cứ tăng dần, sau đó ban điều hành của MA Steel tiếp tục chấp thuận cho công ty này vay thêm 70 triệu euro nữa bởi đại diện MA Steel coi đây như kênh để thâm nhập vào châu Âu và các thị trường nước ngoài khác.
Khi MA Steel mua Valdunes với giá chỉ 13 triệu USD, công ty Pháp này đang gặp quá nhiều rắc rối về tài chính. Theo MA Steel, vụ thâu tóm này là một cách để mở rộng hoạt động ra thị trường ngoài Trung Quốc bởi thương hiệu Valdunes rất có tiếng trong ngành, đồng thời MA Steel cũng muốn có được năng lực và tư duy sản xuất của Valdunes. Công ty được đổi tên thành MG-Valdunes, nhận được khoản vay hỗ trợ từ Bank of China và Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, lãi suất hàng năm chỉ 1 hoặc 2%.
MA Steel thực ra đã lợi dụng Valdunes để có thể né tránh các quy định về nguồn gốc thu mua của nhiều doanh nghiệp lớn tại châu Âu ví như doanh nghiệp đường sắt nhà nước Đức - Deutsche Bahn.
Từ khi MA Steel thâu tóm Valdunes, xuất khẩu bánh xe tàu hỏa của Trung Quốc sang châu Âu đã tăng gấp 4 lần. MA Steel cử kỹ sư của Valdunes đến các nhà máy tại Trung Quốc để hỗ trợ cho công việc sản xuất tại đây. Viện sản xuất các phụ tùng tàu hỏa này đòi hỏi về chuyên môn cao hơn nhiều so với cái mà MA Steel từng có trước đó. Mạng lưới tàu cao tốc của Trung Quốc hiện vẫn sử dụng bánh xe tàu hỏa được sản xuất tại liên doanh với các doanh nghiệp châu Âu.
Kết quả, Deutsche Bahn hiện thử nghiệm bánh xe tàu hỏa được sản xuất bởi MA Steel tại Trung Quốc. MA Steel sử dụng Valdunes để hoàn thiện và đóng gói bánh xe tàu hỏa được sản xuất tại Trung Quốc cho khách hàng châu Âu và nhiều nơi khác.
Để phục vụ cho các mục tiêu nói trên, doanh nghiệp Pháp này đã được hỗ trợ nguồn tín dụng chi phí thấp từ các ngân hàng của chính phủ Trung Quốc cũng như khoản tiền 150 triệu EUR (tương đương khoảng 181 triệu USD) từ MA Steel.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cung cấp hàng tỷ USD trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước nhằm thâu tóm các đối thủ trong ngành sản xuất châu Âu và xây dựng nhà máy ngoài biên giới các nước này. Giờ đây, những nhà máy trên khắp toàn cầu đang có sức ảnh hưởng lớn đến các thị trường thế giới bằng việc cung ra rất nhiều sản phẩm chi phí thấp trong nhiều lĩnh vực từ lốp ôtô đến thiết bị đường sắt, sợi thủy tinh và thép.
"Các công ty Trung Quốc đang bành trướng. Họ đầu tư ở khắp nơi. Điều đó đồng nghĩa rằng, những vấn đề mà chúng ta nhìn thấy tại thị trường Trung Quốc hiện được "xuất khẩu" sang các thị trường khác", Phó giám đốc hiệp hội kinh doanh châu Âu Business Europe, bà Luisa Santos phân tích.
Trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất về quy định hạn chế hoạt động các doanh nghiệp tại EU nhận trợ cấp của chính phủ nước ngoài. Đây là một trong những biện pháp để ngăn chặn sự bành trướng toàn cầu của doanh nghiệp Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại EU, ông Zhang Ming khẳng định, quan điểm chính sách của châu Âu khiến cho nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại, đồng thời tác động xấu đến truyền thống cởi mở với đầu tư nước ngoài của EU. "Chúng tôi nhìn vào EU như 'bậc thầy' để xây dựng nền kinh tế thị trường của mình. Chính vì vậy, chúng tôi không muốn chứng kiến người thầy và cũng là đối tác của mình có bất kỳ sự ngại ngần nào trong thực thi các nguyên tắc đã có".
Mỹ và các nước tại châu Âu cũng như nhiều nơi khác đã trợ cấp cho các ngành của họ thông qua chương trình giãn thuế, tài trợ xuất khẩu và bổ sung ngân sách nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên, cách hỗ trợ của phía Trung Quốc khác biệt ở chỗ vai trò của doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát trong nền kinh tế lớn hơn hẳn cũng như việc nhà nước sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp bành trướng ở nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế tại trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) trụ sở tại Brussels, ông Daniel Gros cho rằng, những khác biệt nói trên không nên dẫn đến việc EU trừng phạt Trung Quốc khi doanh nghiệp nước này đầu tư ra nước ngoài. "Rất tiếc, chúng tôi không thể xuất khẩu mô hình của mình. Chúng tôi cũng có nhiều biện pháp trợ cấp khác. Dấu ấn của các chính phủ lên nền kinh tế rất rất lớn", ông nói.
Nhiều năm qua, Mỹ và châu Âu đã dựa vào Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và các biện pháp thuế quan để trừng phạt Trung Quốc về hành vi trợ cấp xuất khẩu, giãn thuế cũng như tín dụng từ các ngân hàng nhà nước - những biện pháp vốn đã giúp cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên cho đến nay, các quy định của WTO vẫn chưa rõ ràng đối với vấn đề trợ cấp mà chính phủ dành cho các nhà sản xuất như thế nào.
Kết quả các doanh nghiệp thuộc sở hữu Trung Quốc ở bên ngoài nước này thường chịu thuế thấp hơn so với doanh nghiệp tại Trung Quốc, hoặc thậm chí không hề phải chịu thuế.
Theo quan chức và nhà điều hành doanh nghiệp châu Âu, các biện pháp hỗ trợ tài chính từ chính phủ Trung Quốc cho phép doanh nghiệp sản xuất nước này tại nước ngoài có thể hoạt động với biên lợi nhuận rất thấp hoặc thua lỗ để phục vụ cho mục tiêu thâu tóm thị phần hoặc phục vụ lợi ích chiến lược của chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề này lại cực kỳ khó giải quyết khi doanh nghiệp đó hoạt động trong thị trường phương Tây.
Thành viên Ủy ban rà soát kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc và là cơ quan tham vấn cho Quốc hội Mỹ về chính sách với Trung Quốc, ông Michael Wessel cho rằng, Trung Quốc có thể không bao giờ quan tâm đến lợi nhuận bởi đó là nền kinh tế phi thị trường. "Chúng tôi cần đánh giá xem liệu trong cương vị nền kinh tế thị trường, điều đó có chấp nhận được hay không", ông nói.
Ủy ban này đang đề xuất Quốc hội Mỹ cho phép Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) quyền hạn ngăn chặn các vụ thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài có nhận trợ cấp của chính phủ nước đó, đặc biệt nếu như tiền đó dùng để thực thi chính giao dịch mua doanh nghiệp ấy. Đồng thời, cơ quan này cũng cho rằng giới chức Mỹ cần có quyền hạn rà soát các kế hoạch xây nhà máy tại Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc để tính toán về các rủi ro với an ninh quốc gia và kinh tế.
EU cũng đề xuất rằng, Ủy ban châu Âu (EC) có thể chặn các vụ thâu tóm doanh nghiệp bởi các doanh nghiệp nước ngoài có nhận trợ cấp từ chính phủ, hoặc EC có thể áp dụng biện pháp hạn chế để ngăn bóp méo thị trường khu vực.
Theo quy định của EU, mức độ trợ cấp mà các nước thành viên dành cho doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế. Quan chức EU nói rằng, luật trợ cấp muốn tạo ra sân chơi bình đẳng: "Doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại châu Âu không nên được cho phép hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ Trung Quốc trong khi doanh nghiệp châu Âu bị cấm nhận trợ cấp tương tự từ chính phủ của họ", ông nói.
Phía Trung Quốc đương nhiên không hài lòng với quan điểm của châu Âu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, tuyên bố: "Các nước châu Âu đưa ra phần lớn các quy định của thương mại thế giới. Vì vậy, họ thường có thói quen muốn giữ thế bá chủ của mình".
Để giữ được quyền tiếp cận thị trường châu Âu, chính phủ Trung Quốc đang đề xuất gỡ bỏ biện pháp hạn chế với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp châu Âu vào thị trường nội địa nước này theo thỏa thuận đầu tư đã ký kết với EU vào tháng 12/2020. EU cho biết họ vẫn đang tiếp tục với dự thảo hạn chế chính phủ nước ngoài trợ cấp cho doanh nghiệp bất chấp đã ký kết thỏa thuận đầu tư này.
Tháng 1/2021, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm lốp xe từ Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam sau khi doanh nghiệp Trung Quốc mở nhà máy tại các nước này nhằm tránh thuế của phương Tây áp với các sản phẩm lốp xe từ Trung Quốc. Trước đó, đầu tư từ Trung Quốc đã đưa Thái Lan thành nước xuất khẩu lốp xe lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng mở nhà máy sản xuất lốp xe tại Algeria, Serbia và nhiều nơi khác để xuất khẩu sang phương Tây mà không phải chịu thuế bán phá giá.
Năm ngoái, EU đã đánh thuế với các nhà sản xuất sợi thủy tinh Trung Quốc xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp do người Trung Quốc điều hành tại Ai Cập. Kết quả các cuộc điều tra từ châu Âu cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc tại Ai Câp đã nhận khoản vay hàng trăm triệu USD, tiền được cung cấp bởi ngân hàng thuộc sở hữu Trung Quốc hoặc được bơm qua công ty con tại Ai Cập.