Công nghệ sẽ tiếp tục làm 'thay da, đổi thịt' thị trường bất động sản trong năm 2022
(DNTO) - Giai đoạn 2020-2021, thị trường bất động sản chứng kiến sự bùng nổ của proptech (công nghệ bất động sản) được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19. Được xem là xu hướng của tương lai, vì vậy proptech vẫn tiếp tục được dự đoán sẽ làm thay da đổi thịt ngành bất động sản Việt Nam trong những năm tới.
Công nghệ không chỉ là “món đồ trang sức”
Là một trong những đơn vị bất động sản đã ứng dụng công nghệ để duy trì hoạt động trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, Sen Vàng Group cho biết, việc tổ chức các sự kiện online giúp đơn vị này tiết kiệm khá nhiều chi phí so với việc tổ chức các sự kiện trực tiếp như trước đây. Vì vậy, ngay cả khi hết dịch, Sen Vàng Group cũng xác định sẽ duy trì việc tổ chức song song các sự kiện online với sự kiện offline.
Ông Lê Ngọc Quang – chuyên gia chuyển đổi số, thành viên Ban sáng lập Cộng đồng phát triển bất động sản bền vững (RealCom) cho biết, để bán được một sản phẩm giá trị lớn như bất động sản mà không qua tiếp xúc trực tiếp thì rất khó. Tuy nhiên, công nghệ có thể hỗ trợ khách hàng tìm kiếm, tiếp cận dự án, hỗ trợ khách hàng lựa chọn sản phẩm.
“Trước kia, ngay cả khi khách hàng gặp trực tiếp tư vấn viên thì cũng chỉ được nhìn mô hình trên sa bàn. Nhưng nay, có sự hỗ trợ của công nghệ, khách hàng dễ dàng nhìn thấy chi tiết sản phẩm bất động sản trước đó để ra quyết định đầu tư nhanh hơn”, ông Quang nói.
Hành vi người dùng thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch với xu hướng online hóa ngày càng gia tăng khiến các đơn vị bất động sản buộc phải ứng dụng công nghệ để đáp ứng sự chuyển dịch này. Thay vì việc phát tờ rơi, brochure… như trước kia, nhiều đơn vị bất động sản đã sử dụng công cụ số như livestream, 360 Tour thực tế ảo… để tiếp thị, quảng bá sản phẩm.
Ông Phạm Minh Toàn, Đồng trưởng Làng Đô thị thông minh và Công nghệ bất động sản tại TechFest Việt Nam 2021 cho biết, không chỉ trong giai đoạn 2020-2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ mới nhìn thấy sự thay đổi của các chủ đầu tư bất động sản trong việc ứng dụng công nghệ, mà kể cả trong năm 2022, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, việc ứng dụng công nghệ và số hóa bất động sản sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Bởi các đơn vị bất động sản hiện nay luôn phải chuẩn bị kịch bản dự phòng để đối phó với việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
“Trước đây, việc ứng dụng công nghệ như 360 Tour thực tế ảo, quét 3D… được coi như ‘món đồ trang sức’ cho dự án bất động sản thêm lung linh, bởi thực tế người mua vẫn đến thăm nhà mẫu hơn là nhìn qua thực tế ảo. Tuy nhiên sang năm 2022, việc áp dụng công nghệ này gần như là bắt buộc với các chủ đầu tư và các dự án.
Việc ứng dụng công nghệ còn được triển khai sâu hơn trong khâu quảng cáo, tiếp thị bất động sản. Các chủ đầu tư, sàn giao dịch ngày càng khai thác tốt hơn dữ liệu khách hàng để phục vụ việc ra quyết định đầu tư. Big Data, AI, học máy… trước đây là những thuật ngữ chỉ mang tính xu hướng, nhưng giờ đây được ứng dụng thực tế nhiều hơn”, ông Toàn nói.
Sự phù hợp quyết định thành – bại
Hiểu được proptech là xu hướng không thể chối cãi, nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản như Hưng Thịnh, CenLand, Vinhomes, Phúc Khang, Cityland… không ngại chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho công nghệ, phục vụ cả công việc vận hành bên trong bộ máy cũng như hoạt động tiếp thị và truyền thông bên ngoài. Kéo theo đó là những đơn vị cung cấp giải pháp proptech cũng mọc lên như nấm, với hơn 100 nền tảng hiện hữu trên thị trường Việt Nam.
Dẫu vậy, xu hướng proptech ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, vì vậy, không khó tránh khỏi những khó khăn khi thâm nhập thị trường. Chuyên gia chuyển đổi số Lê Ngọc Quang cũng thừa nhận, tỷ lệ thất bại khi triển khai ứng dụng công nghệ bất động sản cũng rất lớn. Bởi nếu đơn vị chỉ mua một ứng dụng có sẵn mà không có khả năng tùy biến theo mức độ và nhu cầu của doanh nghiệp thì khả năng áp dụng không cao.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Phụng Hiệp, nguyên CTO Capital House Group cho biết, không giống như ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, các doanh nghiệp trong ngành bất động sản không có nhiều kinh nghiệm, thực tiễn sử dụng phần mềm. Vì vậy, những giải pháp công nghệ đưa ra có thể đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp tại thời điểm đó, nhưng về lâu dài chưa chắc hiệu quả.
Ngoài ra, ở bất kỳ đơn vị nào, khi đưa công nghệ vào cũng sẽ khó khăn vì đội ngũ sẽ tăng gấp đôi lượng công việc trong thời gian đầu, vừa phải làm công việc chuyên môn hiện tại, vừa phải kết hợp cùng đội ngũ công nghệ để triển khai công việc. Điều này khiến nhân sự đôi lúc bị nản, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc.
Việc phát triển công nghệ trong một thị trường mới, khi các khách hàng chưa đủ kinh nghiệm là một việc khó khăn với các đơn vị proptech như Dones (startup cung cấp giải pháp không gian số cho doanh nghiệp). Ông Nguyễn Thế Duy, CEO Dones cho hay, khi bán một sản phẩm công nghệ của tương lai như proptech thì rất khó vì đơn vị cung cấp giải pháp phải chốt rất kỹ với khách hàng, tránh việc khách hàng nghĩ về một thứ còn startup lại triển khai một thứ khác.
“Đó là một điều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chạy dự án, startup phải rất tập trung mới có thể hoàn thiện được. Làm sản phẩm rất khác với làm dịch vụ. Làm dịch vụ thông thường khi nhận càng nhiều dự án thì số người càng tăng lên. Với sản phẩm phần mềm thì khác, sản phẩm phải có khả năng mở rộng nhưng không bị phụ thuộc về con người”, ông Duy nói.
Dù bước đầu còn nhiều khó khăn, tuy nhiên theo ông Lê Ngọc Quang, quá trình chuyển đổi số hiện nay của Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp với xu hướng của thế giới, vì vậy hoàn toàn tự tin có thể phát triển công nghệ phục vụ bất động sản, thậm chí có những công nghệ có thể dẫn đầu thế giới.