Chuyên gia: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống, cần tránh gây sốc cho doanh nghiệp
(DNTO) - Các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam, tránh tăng sốc cho thị trường cũng như doanh nghiệp...
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. Dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%. Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Từ đó, hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia đến sức khỏe nhân dân.
Nêu quan điểm về vấn đề này tại hội thảo "Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống", ngày 8/8, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam có vai trò kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm, luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số. Các doanh nghiệp phải tính tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động…
Theo VBA, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB là một "cú sốc" đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Theo VBA, báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách, mà chưa có các đánh giá định lượng, mức độ ảnh hưởng cụ thể, như doanh nghiệp giảm sản lượng và doanh thu bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuối cung ứng, dịch vụ ra sao...
"Dự thảo cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đề nghị xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong giai đoạn này, cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này.", đại diện VBA kiến nghị.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VCTA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.
Việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, tự pha chế, không bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo đó, mục tiêu hạn chế tiêu dùng rượu bia, bảo đảm sức khỏe cộng đồng sẽ khó thực hiện.
Do đó, bà Nguyễn Thị Cúc đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động của đề xuất tăng thuế này. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình, ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.
Góp ý về nội dung này, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng việc tăng thuế TTĐB cao có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo TS Cấn Văn Lực, cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam. Để tránh tăng sốc cho thị trường, doanh nghiệp có thể xem xét mức tăng thuế trong ngắn hạn và giãn lộ trình tăng thuế trong trung hạn.
Cùng quan điểm, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng không nên tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, người lao động khi tổng số thuế phải trả quá lớn. Nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nhưng không để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động...