Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng lên 20% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường
(DNTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia theo hướng tăng, có thể là 20%, thay vì 10% như dự thảo và xây dựng lộ trình tăng thuế phù hợp đến năm 2030.
Chiều 27/11, cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh…
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng đường cao, chứ không phải chỉ có nước giải khát có đường. Nếu áp thuế cao, có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu rất khó kiểm soát vào Việt Nam. Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát, nước có đường sẽ "bóp chết" ngành sản xuất mía đường trong nước. Theo đại biểu này, nước giải khát có đường thì ngăn, còn bánh kẹo lại không ngăn là điều không hợp lý.
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, đường không có lỗi, chỉ pha chế hóa chất trong đường đó mới có lỗi, làm tăng béo phì của trẻ em lên.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm hàng hóa không thân thiện với môi trường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như pin, lốp xe ô tô, túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Về thuế suất, lộ trình và mức tăng thuế, đại biểu cho rằng cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng. Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược, như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
"Đối với nước giải khát có đường, dự thảo luật quy định chỉ áp dụng một mức thuế 10% đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100 ml. Mức áp thuế này còn thấp hơn so với một số quốc gia, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia theo hướng tăng, có thể là 20%, thay vì 10% như dự thảo và xây dựng lộ trình tăng thuế phù hợp đến năm 2030", đại biểu Kim Anh nêu đề xuất.
Đối với rượu bia, đại biểu thống nhất với việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình, tuy nhiên đại biểu băn khoăn dự thảo luật đang áp thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ. Nếu theo suất tính theo độ cồn, với quan điểm độ cồn càng cao thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe càng nhiều, tại sao thuế suất của bia lại ở mức cao hơn rượu ở nồng độ cồn dưới 20 độ, trong khi độ cồn của bia chỉ khoảng 5 độ. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo giải trình thêm về vấn đề này và nghiên cứu sửa đổi đảm bảo hiệu quả, khả thi.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng), cho rằng Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường. Trên thực tế, nhiều loại nước có hàm lượng đường cao hơn nước giải khát có đường…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng bày tỏ sự lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng, chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát. Hơn nữa, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam hẹp hơn nhiều so với khái niệm đồ uống có đường.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre), cho rằng không phải quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì: như Brunei, Ấn độ, Chile, Phần Lan, Bỉ… là những quốc gia đã áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng đều. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường như Nhật Bản hay Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.
Đại biểu cho biết, ví dụ như nước dừa đóng hộp, không cần thêm đường, nước dừa tự nhiên đã có lượng đường tương đương 6-7g/100ml. Nếu chiếu theo TCVN, thì nước dừa đóng hộp có thể được liệt vào nhóm chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đại biểu, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước dừa không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp chế biến dừa đang kiệt quệ sau Covid-19 của tỉnh Bến Tre; mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa vì không tiêu thụ được trái dừa, nguy cơ phải đốn dừa trồng cây khác. Trong khi cây dừa là cây có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể chịu được hạn, chịu được ngập và rễ dừa chống xói lở đất. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy, uống nước dừa tốt cho sức khỏe, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra uống nước dừa dẫn đến thừa cân, béo phì. Đại biểu khẳng định, hiện chưa đủ cơ sở khẳng định việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước dừa sẽ làm giảm bệnh thừa cân, béo phì, nhưng nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước dừa có khả năng dẫn đến thất thu ngân sách của các địa phương có trồng dừa và thậm chí Trung ương còn phải hỗ trợ ngân sách cho các địa phương trồng dừa để khắc phục thiên tai do mất cây dừa.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Do vậy, đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo TCVN vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu của chính sách là bảo vệ sức khỏe người dân.