Rầm rộ vào Việt Nam, gã khổng lồ xe điện BYD đau đầu vì khó lắp trạm sạc
(DNTO) - Hãng xe điện lớn nhất thế giới đang tập trung mở rộng mạng lưới đại lý và cùng bên thứ 3 phát triển hệ thống trạm sạc trên toàn Việt Nam. Tuy nhiên, một số khó khăn về quỹ đất và pháp lý có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Tham vọng phủ trạm sạc trên toàn Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến”, sáng 29/8, ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam tiết lộ về kế hoạch kinh doanh tại thị trường Việt Nam sau hơn 1 tháng ra mắt thương hiệu tại đây.
Theo ông Lực, do xe điện vẫn còn mới mẻ với nhiều người dùng và cả đơn vị trong hệ thống phân phối nên năm nay, BYD sẽ tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ thống mạng lưới và đội ngũ cho toàn bộ hệ thống đại lý.
BYD đã có 16 đại lý đi vào hoạt động, 20 đại lý đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay. Ngoài ra, BYD sẽ tiếp tục giới thiệu ba mẫu xe điện mới tại Việt Nam.
“Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng mạng lưới lên 50 đại lý vào năm 2024, 70 đại lý vào năm 2025, và đạt 100 đại lý vào năm 2026”, ông Lực cho biết.
BYD không có chiến lược đầu tư trực tiếp vào trạm sạc. Nhưng đối với hệ thống đại lý phân phối của thương hiệu, việc đầu tư trạm sạc là yêu cầu bắt buộc. Mỗi đại lý tối thiểu phải có 2 trạm sạc nhanh, với công suất chủ yếu là 120 kW. Với công suất này, xe có thể sạc đầy trong khoảng 20 phút, đủ để di chuyển từ 400 đến 500 km.
“Trùm xe điện” cũng cho biết đang nỗ lực làm việc hơn 10 đối tác nhằm phủ hệ thống trạm sạc trên toàn Việt Nam. Công ty cũng cung cấp và lắp đặt miễn phí máy sạc tại nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, hãng cũng gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là liên quan đến quỹ đất và các vấn đề pháp lý khác.
Cụ thể, BYD hiện đang nhắm tới phục vụ xe điện tại các thành phố lớn, nhưng quỹ đất tại những khu vực này rất khan hiếm nên việc tìm kiếm đất để đầu tư trạm sạc là vô cùng khó khăn.
Chưa kể, các khu chung cư có mật độ dân cư rất đông nên việc lắp đặt trạm sạc tại đây gần như không khả thi do nhiều rào cản về không gian và cơ sở hạ tầng. Đại diện BYD Việt Nam cho biết cũng đang nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để giúp cư dân chung cư có thể tiếp cận trạm sạc dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, các quy định về trạm sạc vẫn chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Ví dụ, các vấn đề về phòng cháy chữa cháy hay kết nối điện thường rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ phía nhà đầu tư.
“Nếu có thêm các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư từ Chính phủ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế trong một vài năm hay hỗ trợ quỹ đất thì việc đầu tư trạm sạc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều”, ông Lực nói.
Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe xanh
Cũng chia sẻ tại Hội thảo, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết để thực hiện mục tiêu giảm phát thải trong ngành giao thông cần những chính sách để mà đẩy mạnh dung lượng thị trường, cụ thể là chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hóa nhằm hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại xe này.
VAMA nhấn mạnh đề xuất sửa đổi liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt và cho biết đang cùng Công ty Kiểm toán KPMG triển khai nghiên cứu đánh giá đầy đủ tác động về việc này. Hiện Quốc hội đã có kế hoạch sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, các bộ, ngành và ban soạn thảo sẽ trình Quốc hội dự kiến vào tháng 10 này và thông qua vào tháng 5/2025.
“Chúng tôi đề nghị cân nhắc sửa đổi ưu đãi với dòng xe thân thiện môi trường bao gồm HEV (Xe Hybrid tự sạc) và PHEV (Xe Hybrid có hệ thống sạc điện riêng). Đồng thời giữ mức thuế hiện tại đối với xe pickup chở hàng cabin kép nhằm duy trì và tạo nguồn lực trong quá trình chuyển đổi”, đại diện VAMA cho hay.
Cùng đó, ông Quyết cho rằng cũng cần có lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế phí, ưu đãi đầu tư) phát triển trạm sạc. Theo tính toán của HSBC, cần khoảng 12 - 13 tỷ USD để xây dựng được hệ thống hạ tầng trạm sạc cho Việt Nam. Việc giảm nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng thu thuế theo số liệu của 2023.
“Ngành giao thông vận tải đường bộ đang chiếm khoảng 68 % tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu toàn ngành. Đề xuất này sẽ giảm lượng nhiên liệu, tiết kiệm nguồn lực cho người tiêu dùng và xã hội cũng như giảm áp lực về nguồn điện cho hệ thống xe điện. Đề xuất này cũng sẽ giảm được nhu cầu nhập khẩu dầu thô, giảm áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam”, ông Quyết phân tích.
Theo kinh nghiệm các nước về hỗ trợ sản xuất xe điện nội địa, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên mua sắm công, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện nội địa… Chính sách ưu tiên dùng hàng nội địa cũng "né" được các rào cản về hội nhập, mở cửa.
Hay tại Thái Lan đã phát triển hệ thống giao thông ô tô công cộng chạy bằng điện hoặc nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính. Nhà nước có thể tài trợ giá vé để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này.
Để phát triển được ô tô điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Đầu tư sản xuất ô tô điện cần tới hàng tỷ USD với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư. Đây là thách thức lớn của các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam. Theo chuyên gia này, một số quốc gia trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính để tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng, hoặc Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển.