Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều luật quan trọng
(DNTO) - Sáng 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng không nhân dân; thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035...
Tàu bay không người lái phải đăng ký trước khi sử dụng
Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội thông qua đã quy định rõ các trường hợp chế áp, tạm giữ, đình chỉ máy bay không người lái và thẩm quyền thực hiện.
Sáng 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân với 449/449 đại biểu tán thành (chiếm 93,74% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật gồm 7 chương, 47 điều và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.
Theo Điều 30 của Luật quy định về cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, việc cấp phép bay phải phù hợp với thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của tàu bay không người lái.
Các hành vi bị nghiêm cấm, đó là trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân; huy động, sử dụng lực lượng, vũ khí, phương tiện, công trình phòng không nhân dân trái quy định pháp luật; sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác...
Luật cũng quy định, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Đồng thời, điều kiện đăng ký phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc công nhận; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác nhập khẩu phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, cho biết có ý kiến đề nghị quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đình chỉ bay để tránh tùy nghi, chồng chéo.
Về nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 5), Dự thảo Luật quy định lực lượng phòng không nhân dân phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.
"Hiện nay, lực lượng phòng không nhân dân đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000m. Vì vậy lực lượng phòng không nhân dân đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nói.
Về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 27), có ý kiến đề nghị cân nhắc để có chính sách xuất khẩu thông thoáng cho lĩnh vực này.
Theo ông Tới, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ quy định Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác.
Tuy nhiên, đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vẫn cần thiết phải quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu để bảo đảm yêu cầu về bí mật quân sự, bí mật an ninh và do Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an quy định.
Quốc hội thông qua chủ trương chi 122.250 tỷ đồng phát triển văn hóa trong 5 năm
Cũng trong sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết, có 430/454 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 89,77%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Về kinh phí thực hiện, Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.
Trong đó vốn ngân sách trung ương: 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); Vốn ngân sách địa phương: 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); Nguồn vốn khác: dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Quốc hội yêu cầu vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc đầu tư cần được phân cấp nhằm tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.
Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, cho biết về kinh phí, có ý kiến băn khoăn khi tỷ lệ nguồn vốn khác chiếm 12,4% còn cao, thiếu tính khả thi đối với các địa phương còn khó khăn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích nguồn vốn khác huy động thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án; vốn huy động thông qua chính sách thu hút đầu tư; nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (tiền, hiện vật, ngày công lao động)…
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tỷ lệ 12,4% là tỷ lệ trung bình trong cả nước. Với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, tỉ lệ sẽ đạt cao hơn.
Còn với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có thể huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiện vật.
Từ 1/7/2025: Cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế VAT
Chiều 26/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) với 407/451 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét, nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT lên trên mức 200 triệu đồng. Ngoài ra có ý kiến đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới.
Theo luật hiện hành, mức doanh thu không chịu thuế VAT là 100 triệu đồng/năm. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 2.630 tỷ đồng.
Để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỉ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu bằng phiếu. Theo đó, có 204 đại biểu (chiếm 63,35% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế.
Luật Thuế giá trị tăng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 04 Chương và 17 Điều. Luật định nghĩa, việc tăng giá trị thuế là tính thuế trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát hiện trong quá trình sản xuất, lưu thông tin đến tiêu dùng.
Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), bày tỏ ủng hộ với sự cần thiết của dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ…
Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp. Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. “Từ đó cho thấy rằng việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.
Song, dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, hướng tới một môi trường lao động công bằng và bền vững.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình), quan tâm về trình tự thủ tục hỗ trợ người lao động. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát các thủ tục và giao cho Chính phủ quy định...
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, tại dự thảo Luật còn có một số nội dung quy định về thủ tục hành chính như: Trình tự đăng ký lao động (Điều 23); điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động (Điều 25); trình tự, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (Điều 63); trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 66); trình tự, thủ tục hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nâng cao tay nghề (Điều 74, Điều 77)…
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định nội dung này.