Tổng Thanh tra Chính phủ: Tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn
(DNTO) - Sáng 26/11, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 (kỳ báo cáo 1/10/2023 - 1/10/2024).
Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong năm 2024, Thanh tra Chính phủ đã xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.
Theo Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra phát hiện nhiều hành vi vi phạm, kiến nghị xử lý hành chính 7.629 tập thể và 8.714 cá nhân. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 372 vụ việc.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý 392 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 25 vụ việc. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 48.670 tỷ đồng.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cơ quan công an đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án/3.897 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 4.759 tỉ đồng, 47.704,2 m2 đất và 138,4 ha đất.
Riêng vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn đã kê biên, thu giữ 315,75 tỉ đồng; 1,97 triệu USD; 534 cây vàng SJC; 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ nhìn nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; còn nhiều vi phạm về thực hiện trình tự, thủ tục, nội dung kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định.
Qua xác minh tài sản, thu nhập đã phát hiện một số trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Tuy nhiên, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. Qua phản ánh của dư luận cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều.
Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn tồn đọng lớn. Nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án...
Chủ nghiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra thực trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều.