Minh bạch đấu giá đất: Nghiên cứu quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán để tránh trục lợi
(DNTO) - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, để khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng "thổi" giá đất trục lợi, các tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao bỏ cọc.
Gần đây, tình trạng đấu giá đất vùng ven với giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và cao hơn nhiều so với giá thị trường đang gây xôn xao dư luận. Theo các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng nhất là các hành vi “thổi giá” bên cạnh các động thái bỏ đặt cọc, không nộp tiền, thì vẫn có nhiều trường hợp người đấu giá bất chấp nhận chi tiền để hợp thức hóa mức giá cao, từ đó đẩy giá, tạo mặt bằng giá “ảo" để làm tham chiếu cho các lô đất khác.
"Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã siết quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng phải đến 1/1/2025 mới có hiệu lực. Song ngay cả khi các quy định mới này hiệu lực, thì sức nóng của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tạo ra những kỷ lục giá mới, và sẽ dần dần trở thành “chuyện thường ngày ở huyện, bởi tâm lý đầu cơ vẫn còn với kỳ vọng tăng giá bất động sản tiếp tục được duy trì”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho hay.
Phản ánh tại diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói" ngày 24/11, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), chỉ rõ tháng 10 vừa qua một số địa phương ở Hà Nội (huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở và tạo lên cơn sốt rất cao, có những nơi giá trúng trên 100 triệu đồng/m2... nhưng cuối cùng, những người trúng đấu giá đất đều bỏ cọc.
"Chủ trương đấu giá đất là đúng, nhưng cũng có ý kiến lo ngại nhiều đối tượng lợi dụng cơ hội để thổi giá đất lên cao. Nhà nước sẽ có công cụ và chính sách nào để kiểm soát việc đẩy giá đất ảo lên quá cao, nhưng vẫn tiếp tục áp dụng hình thức đấu giá để đảm bảo hài hòa lợi ích, tăng thu cho ngân sách nhà nước?", ông Hiếu đặt vấn đề.
Trả lời việc này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói đã có kiến nghị Chính phủ, các địa phương chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính khả thi, cứng rắn. Cụ thể, Bộ đề nghị địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, Luật Đất đai; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại các khu vực có đất đấu giá.
"Các địa phương cần điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất để làm cơ sở tính giá khởi điểm. Thực tế đã xảy ra tình trạng những khu đất đầu tư đồng bộ về hạ tầng nhưng địa phương vẫn lấy giá đất khi chưa đầu tư để làm giá khởi điểm, khiến nhiều đối tượng muốn trúng đấu giá để bán lại kiếm lời", ông Duy cho hay.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, cần có chính sách đảm bảo nguồn cung về đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân và phù hợp với nhu cầu chi trả. Khi cung - cầu không gặp nhau, đương nhiên giá sẽ bị đẩy lên cao.
"Đề nghị quy chế đấu giá đất có thể phải rút ngắn thời gian nộp đủ tiền trúng đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc để hạn chế việc lợi dụng đấu giá trục lợi", ông Duy nói và đề nghị tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
"Tôi tin rằng nếu thực hiện đồng bộ được các giải pháp nêu trên sẽ khắc phục được tình trạng đấu giá đất như ở vùng ven Hà Nội thời gian qua", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ.
Quốc hội yêu cầu 'đưa bất động sản về đúng giá trị nội tại'
Chiều 23/11, tại Nghị quyết vừa ban hành, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ ngành và địa phương có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu; tăng nguồn cung bất động sản giá thấp; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
"Có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, đặc biệt ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo sốt giá", Nghị quyết nêu rõ.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản, tăng cường phân tích, dự báo để điều tiết, lành mạnh hóa thị trường trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường; ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Chính phủ được giao nghiên cứu, ban hành mới các luật về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo; đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản.
Các Bộ ngành được giao xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản có sự liên thông, chia sẻ, tích hợp giữa các hệ thống đăng ký thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau; bảo đảm sự công khai, minh bạch, dễ tiếp cận các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.