Lợi dụng đấu giá đất để đẩy giá thị trường: 'Cấp bách ban hành ngay Luật Thuế bất động sản'
(DNTO) - Trước thông tin về giá đất tăng liên tục thời gian qua, chuyên gia cho rằng không chỉ là cần thiết, mà rất cấp bách trong việc sớm khởi động lại dự án về thuế bất động sản. "Chỉ khi can thiệp về thuế, giá nhà đất sẽ tăng giảm theo đúng thị trường".
'Bỏng tay' với giá trúng 133 triệu đồng/m2
Sau 19 tiếng qua nhiều vòng đấu, giá trúng cao nhất tại phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu LK03 và LK04 xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) là 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Lô đất này có diện tích 113m2, như vậy tổng giá trị là 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lô LK03-06 và LK-4-06 cao thứ 2 đạt 127,3 triệu đồng/m2. 14 lô đất khác có giá trúng từ 97,3 đến 121,3 triệu đồng/m2. Hai lô có giá trúng thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2, gấp 12,5 lần so với giá khởi điểm.
Đánh giá về hiện tượng này, theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá trúng đấu giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố từ 30-40km được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m² có yếu tố bất thường. Đất nền vùng ven đang được kích giá lên mức cao mà đời sống người dân không chịu nổi được.
"Cách mà nhiều môi giới bất động sản đang làm là gọi điện thoại khắp nơi hỏi mua nhà đất, đi xem nhà đất ở nhiều nơi để kích giá thị trường. Quy mô đấu giá đất vùng ven Hà Nội những ngày qua rất nhỏ nên giới đầu cơ muốn thông qua đấu giá đất để đẩy giá lên cao, chứng tỏ rằng giá đất đang lên thật, hướng mọi người đến mức giá cao", ông Võ cho hay.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra nghịch lý, trong khi nhiều nhà mặt phố trung tâm của Hà Nội đang đóng cửa để trống khi thương mại điện tử ngày càng lên ngôi, trong khi giá đất nền vùng ven lại lên vù vù cho thấy tác động của giới kinh doanh.
"Chúng ta đang thiếu công cụ quản lý thị trường đất nền. Năm 2004 Chính phủ đã có nghị định cấm phân lô bán nền, vì việc phân lô bán nền không hợp với quá trình phát triển đô thị hiện đại, nhiều người mua đất nền xong để đó. Đất không được đầu tư, phát triển mà cứ tích tiền vào đó nên đã làm cho đất sốt lên nhiều lần.
Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua đã cấm phân lô bán nền tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, đô thị loại 2, đô thị loại 3. Chúng ta đã siết phân lô, bán nền nhưng vẫn thiếu công cụ duy nhất là thuế bất động sản để ổn định giá thị trường", vị chuyên gia nhìn nhận.
'Rất cấp bách để ban hành ngay Luật Thuế bất động sản'
Nêu quan điểm về tình trạng giá đất "lên đồng" liên tục thời gian qua, mới đây tại Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh, nếu cơ chế chỉ dùng mỗi Luật Đất đai thực hiện trên cơ sở bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì giá nhà đất vẫn chỉ tăng không giảm.
“Nghị quyết 18 cũng lưu ý, bên cạnh Luật Đất đai, Nhà nước phải có chính sách thuế đánh vào người có nhiều nhà, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất. Nếu Chính phủ không sớm ban hành chính sách thuế này thì không thể xử lý được toàn diện vấn đề về đất đai nói chung, thị trường bất động sản nói riêng”, ông Hiếu nói.
Nhìn nhận từ thực tế, ông Hiếu nhấn mạnh, không chỉ là cần thiết mà rất cấp bách trong việc ban hành chính sách thuế với bất động sản, mà trước đây gọi nôm na là đánh thuế với căn nhà thứ hai. Căn nhà thứ hai không phải là tiêu chí quyết định, có thể theo số lượng, lũy tiến... nhưng phải công bằng.
“Chỉ khi can thiệp về thuế, giá nhà đất sẽ tăng giảm theo đúng thị trường. Khởi động dự án thuế này sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản, nếu không bắt tay làm ngay sẽ không giải quyết được bài toán trên”, ông Hiếu cho hay.
Chung quan điểm, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, sẽ chỉ có giá theo nguyên tắc thị trường, chứ không thể tồn tại 2 giá trong điều hành chính sách về đất đai.
“Vừa rồi, có hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm giá, tôi cho rằng không thể yêu cầu, thậm chí đề nghị như vậy, vì đó là trái luật. Các doanh nghiệp khi đề xuất các kiến nghị liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất phải cân nhắc điều này”, ông Chính chia sẻ.
Đặc biệt, ông Chính cho rằng, giá trị quyền sử dụng đất phải được đặt trong bối cảnh về mức thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, để đảm bảo phù hợp với sức đóng góp của người mua, vừa thu hút đầu tư, đồng thời đảm bảo tính kế thừa trong bối cảnh các quy định đang có thay đổi theo yêu cầu của Luật Đất đai 2024.
Trước đó, việc xây dựng chính sách thuế bất động sản đã được bàn đến nhiều lần. Vào đầu năm 2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn đang chỉ "dừng lại trong các dự kiến".
Nhìn ra thế giới, theo quy định pháp luật hiện hành ở nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, cá nhân có quyền sở hữu tài sản và pháp luật không cấm người dân sử dụng nhiều tài sản như nhà đất, nhưng nhà nước có thể áp dụng thuế cao đối với những tài sản mà một cá nhân sở hữu.
Điển hình như Singapore là một trong số quốc gia áp dụng thuế này, với mức thuế 7% với người mua nhà thứ hai và 10% với nhà thứ ba; bán nhà trong năm đầu sau khi mua sẽ bị đánh thuế 16%, bán vào năm thứ hai, mức thuế giảm về 12%, năm thứ ba là 8% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này...