Tác phẩm 'Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi' tái dựng làng quê Bình Định
(DNTO) - Nhà văn trẻ Mị Dung vừa cho ra mắt tập sách Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm ruồi nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả, nhất là những người con quê hương Bình Định. Bởi thông qua các nét phác thảo, người đọc đã nhận ra tình yêu quê hương được gửi gắm trong nhiều câu chữ.
Ngày 24/11/2024, nữ tác giả Mị Dung ra mắt tiểu thuyết Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi. So với cuốn Ngẩng mặt nhìn mặt ra mắt tháng 11/2023 thì lần này, cuốn truyện dùng ít thổ ngữ hơn.
Có những giọng văn không chỉ đọc để hiểu, mà còn để cảm, để lắng nghe từng nhịp rung của tâm hồn. Mị Dung, với ngòi bút sắc sảo và tinh tế, không chỉ đưa ta vào một thế giới của ngôn từ, mà còn khiến ta trải qua những cảm xúc sâu lắng khó gọi tên. Từ những trang đầu tiên của “Ngẩng mặt nhìn mặt”, từng chữ như thấm đượm nỗi niềm của kiếp người, cho đến những dòng cuối cùng của “Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi”, Mị Dung đã dẫn dắt bạn đọc qua nhiều cảm xúc, từ mơ hồ đến rõ nét, từ nhẹ nhàng đến day dứt.
Cái tài tình của Mị Dung không chỉ nằm ở ngôn từ, mà còn ở cách chị xây dựng những khoảng lặng giữa các câu văn, như những khoảng trống để ta tự lấp đầy bằng cảm nhận riêng. Đọc văn của Dung, ta không thể không cảm nhận được cái chân phương, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Dung viết như thể đang kể lại chính những câu chuyện của cuộc đời, của những khát khao, mất mát và tìm kiếm, để rồi khi gấp cuốn sách lại, trong ta vẫn còn đọng lại một chặng hành trình của cảm xúc - chặng hành trình không chỉ có hạnh phúc hay buồn đau, mà là tất cả những sắc thái chân thật nhất của đời sống.
Lời văn của Mị Dung không chỉ là câu chữ, mà là một tiếng lòng. Tiếng lòng ấy vang vọng mãi trong tâm khảm người đọc, để rồi mỗi lần đọc lại, ta lại như bước vào một khung cảnh mới, nơi cảm xúc thăng hoa và ý nghĩa được khai phá thêm một lần nữa.
Nhà văn Tô Giang nhận xét: "Cả một thế giới trẻ thơ của Nam Trung bộ được hiện ra đầy màu sắc. Màu của ngôn ngữ còn lẫn bùn non, nơi những trò chơi đồng dao thuở thiếu thời. Có một thứ ý nhị và lung linh tỏa sáng trong sắc màu của Mị Dung.
Tôi là người miền Trung nhưng rất mê văn học miền Nam với những miệt vườn, những khó nhọc những phù sa bồi đắp cho muôn kiếp người. Có một cái gì đó man mác tiếc nuối khi gấp lại tập truyện này. Thế nhưng được kết nối với một dải đất mà mình chưa đặt chân là một hạnh phúc trong đọc và thưởng thức"
Chùm Đảo, Chùm Ruồi là 2 địa danh của thuộc xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhà văn Mị Dung nhớ quê đến độ cô nói: “Nửa đêm tôi nhớ, ngồi dậy viết, rồi chế mì tôm để viết truyện thâu đêm. Xa gia đình, cần gì tôi gọi điện hỏi, quý nhất là ba má tôi còn minh mẫn ở tuổi U80. Tôi mừng vì những câu truyền ngôn của má tôi được đưa vào sách. Thơ trong sách tôi là của bà Nguyễn Thị Bợ. Tức má tôi. Má là người truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất, bà góp công lớn trong tác phẩm của tôi dù bà học không cao. Và đời tôi y chang như bé Út trong Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi. Thằng Cuội là nhân vật có thật ngoài đời đấy!
Đúng như nhà văn, nhà giáo Bùi Duy Phong chia sẻ: "Đọc Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi có lúc thấy mình là Út, đôi khi lại na ná con Hến hay thảng thốt sao thằng Xì giống mình hồi nhỏ quá vậy. Tác giả lôi cuốn người đọc bằng những ký ức chân thật mà ai cũng một thời trải qua theo cách nhào nặn rất riêng, chứ không phải bằng những dụng ngôn, ảo hóa mà vẫn gay cấn, hấp dẫn.
Tác giả Mị Dung dù còn khá trẻ trong làng văn nghệ, nhưng cô luôn học hỏi, cầu tiến và say sưa với nghiệp viết. Cô nhận được sự đỡ đầu của nhà văn gạo cội Nguyễn Trí, nhà văn Lê Hoài Lương, Nguyễn Một, nhà văn nhà giáo Bùi Duy Phong,... Hiện cô đang công tác tại Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập và được nhiều nhà văn, độc giả đánh giá tốt về khả năng của mình