'Sài Gòn chọn nhớ những điều thương': Cách chúng ta đi qua đại dịch
(DNTO) - Là cuốn sách đầu tiên của NXB Trẻ phát hành toàn quốc trong năm mới 2022, tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” (25 tác giả), sẽ được NXB Trẻ đóng góp 100% lợi nhuận từ cuốn sách này vào Quỹ Phòng, chống Covid-19.
Tập sách có sự góp mặt của 25 tác giả: Cù Mai Công, Đàm Hà Phú, Dương Minh Tuấn, Dương Thụy, Duyên Trường, Gia Bảo, Hồ Quốc Pháp, Huỳnh Thu Thảo, Lê Quang Mỹ, Nguyễn Bá Quỳnh, Nguyễn Khắc Cường, Nguyễn Minh Hảo Hớn, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Phi Vân, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Thu Thủy, Phong Việt, Quang Trần, Tăng Hà Nam Anh, Trịnh Võ Trung Nghĩa..., trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia...
Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới – cũng là cảm xúc của người dân Thành phố trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.
Quá khứ không thể thay đổi, nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về. Chưa có khi nào Sài Gòn im lìm như trong những tháng cao điểm dịch, và cũng chưa có khi nào tình người, sự kiên cường của con người lại rực rỡ và lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Tập sách 232 trang này không nhằm gợi bi thương, mà như một lưu dấu về một thời kỳ chưa kịp xa, và dịch bệnh cũng chưa hề qua, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp.
Cơn bão dữ mang tên Covid-19 đã dần rút khỏi Sài Gòn – TP.HCM, đọc lại những ghi chép, tâm sự của người trong cuộc vẫn không khỏi bàng hoàng trước mức độ thảm khốc của trận đại dịch: mười mấy ngàn người đã vĩnh viễn ra đi – trong đó có cả các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên bị nhiễm bệnh khi làm việc, hơn ngàn đứa trẻ thoắt mồ côi, những gia đình lao đao kiệt quệ, và hàng triệu người vẫn sẽ còn chịu đựng những cơn trầm cảm kéo dài vì dư chấn của bệnh hay vì những gì mình đã chứng kiến…
Nhưng trên hết, trong hoàn cảnh khắc nghiệt tột cùng ấy đã xuất hiện những tình cảm đẹp đến rợn ngợp lòng người. "Các y bác sĩ và nhân viên y tế nhiều tháng liền không thấy ánh mặt trời, quay cuồng bên giường bệnh nhân; các chiến sĩ tăng gấp nhiều lần khối lượng công việc hàng ngày; các đoàn thể, ban quản lý khu phố, tổ chức tình nguyện… hoạt động không mệt mỏi để kết nối và chia sẻ những tấm lòng, với vô vàn công việc có tên lẫn không tên.
Hàng triệu người dang tay đùm bọc lẫn nhau, từ chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh đến vận chuyển hàng hóa, bệnh nhân, từ cho nhau bình oxy, viên thuốc, hộp sữa, ký gạo, bó rau… đến lời động viên, để cùng đi qua những tháng ngày khốc liệt. Trong căng thẳng, những âm thanh huyền diệu đã cất lên, xoa dịu tổn thương, mất mát, và để không ai thấy mình cô độc trong trận chiến này", đó là những điều mà tập sách chuuyển tải đến các độc giả.
Các tác giả, nhiếp ảnh gia trong sách cũng nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành cùng NXB Trẻ, trong đó nhiều người tặng nhuận bút của mình để góp quỹ.
- Đàm Hà Phú (Doanh nhân - Tác giả Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ): “Có những người bạn, mà tôi biết rõ là không phải giàu có dư dả gì, vẫn sẵn lòng góp mười tấn gạo cho chúng tôi đi phát cho bà con. Có người hễ khi có chút tiền thì gửi vài trăm ký rau xanh, mấy gói đồ khô… Khi đi phát, tôi chứng kiến những người nhận quà tiếp tục san sẻ phần quà nhỏ nhoi đó cho những hàng xóm còn khó khăn hơn mình. Thấy thiệt sự chứ không phải “cảnh trên tivi”. Dịch bệnh càng kéo dài tôi mới nhận ra người mình giàu có quá, họ giàu lòng thương, họ giàu sẻ chia, họ giàu nhơn ái. Rồi chúng ta sẽ vượt qua những ngày này, và kể lại với con cháu, cách mà chúng ta đã vượt qua nó, không phải bằng thuốc hay vaccine, mà bằng cách chúng ta đã dìu nhau như thế nào, chúng ta đã chia sẻ với đồng bào ra sao, mỗi ngày. Không thể quên những điều buồn, nhưng mà tôi chọn nhớ những điều thương. Sài Gòn đang đứng dậy, một sáng mai, sáu rưỡi, nhịp sống lại sôi réo khắp nơi”.
- Nguyễn Thị Hậu (Tiến sĩ Sử học): “Sài Gòn còn thở được bao lâu nếu hàng hóa, nông sản – “nguồn oxy” cho thành phố bị ngừng lại ở ranh giới địa phương khác, thậm chí ở ranh giới một quận khác? Sài Gòn còn “sống” được bao lâu khi hàng triệu con người đã góp phần tạo nên “lá phổi” mạnh mẽ của thành phố đã bị thiếu hụt “dưỡng khí” hàng chục ngày qua, dù người Sài Gòn luôn nhường nhịn chia sẻ cho nhau. Những đoàn người vẫn tiếp tục rời thành phố trở về quê nhà nơi miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc..., vì gần hai tháng qua họ đã đuối sức lắm rồi”.