'Bên sông Ô lâu': Tập sách gợi hồn quê cho người xa Huế
(DNTO) - Có 57 mảnh hồn quê trong tập tản văn "Bên sông Ô Lâu" của nhà văn – nhà báo Phi Tân. Đó là những mảnh ký ức ăm ắp cảnh quê, người quê, chuyện quê, tình quê của một người con xa quê luôn yêu quê, nhớ quê đến thắt lòng.
Trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều người đã rời xa quê hương, nơi có những luỹ tre làng, những đụn rơm, bãi cỏ để lao vào đời sống phố thị, mưu sinh trong hành trình khẳng định bản thân.
Tuy nhiên, khi tuổi đời càng lớn, khi đã thành công, rất nhiều người đã thương nhớ những mảnh hồn quê từng đi cùng trong những ngày gian khó. Những điều bình dị ấy đã trở thành những cảm xúc mãnh liệt để họ nhớ về, để luôn nhớ đến nguồn cội, quê hương. Tác giả Phi Tân cũng là một người như vậy
"Lớn lên bên dòng Ô Lâu xứ Huế, dù biết bao năm sống nơi phố thị, Phi Tân vẫn là một “người quê” trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong từng trang văn anh viết. Mỗi một câu chữ của “Bên sông Ô Lâu” đều chở nặng tâm tình, nỗi nhớ niềm thương của Phi Tân về con sông tuổi thơ, về món ăn mẹ nấu, về bữa trưa bạn gặt, về những “o”, những “ôn”…, về những người “muôn năm cũ” đã cùng anh đi qua những trang đời không thể nào quên..", Tiến sĩ Nguyễn Tịnh Thy (Đại học sư phạm Huế). đã nói về tác giả Phi Tân như vậy.
Chính vì vậy, những tình cảm của tác giả được gửi gắm qua tập tản văn như những mảnh hồn quê được đánh thức qua trang sách. Đó là hình ảnh những đụn rơm vắng dần ở những ngôi làng, lâu lắm rồi không nghe tiếng chim chèo bẻo hót vang ở giếng đình, bờ tre, hồ nước... Đó là điều khiến anh nhớ đến quay quắt cũng như những món ăn ngày nào mẹ nấu, những thói quen, phong tục của nhà quê ...
Theo TS. Nguyễn Tịnh Thy: "Ngày xưa trong tập tạp văn "Bên sông Ô Lâu" đau đáu một nỗi niềm “thương nhớ đồng quê”, thao thiết như tiếng gọi đàn. Có cảm giác như 57 đoản văn trong tập sách này là lời tự tình không dứt với người quê, cảnh quê, chuyện quê của một kẻ xa quê. Phi Tân là kẻ xa quê ngụ cư thành thị, là người của quá khứ ngụ cư hiện tại.
Nghĩa là Phi Tân vừa ngụ cư không gian, vừa ngụ cư thời gian. Về không gian, dù lập thân và định cư ở thành thị, dù không hề mảy may xung khắc với thành thị, nhưng Phi Tân lại luôn nhớ đến quay quắt ao xưa vườn cũ. Về thời gian, dù đang hít thở bầu không khí sống động của hiện tại, anh lại khôn nguôi đau đáu với ngày xưa. Ngày xưa gắn với kỷ niệm làng quê khiến nỗi nhớ chồng nỗi nhớ, từng mảnh ký ức hiện về, khắc khoải, ngẩn ngơ…"
Có thể nói, tác giả không màu mè câu chữ, vẫn giữ cách nói, thể hiện và ngôn ngữ của một người con xứ Huế nhà quê chân phương. Tuy nhiên, những hình ảnh và ký ức quê cùng tuổi thơ nhiều gian khó vẫn hiện lên sinh động, chân thực như những thước phim.
Tập sách "Bên sông Ô Lâu" được in dày dạn, điều hấp dẫn thu hút không chỉ có ở câu chữ mà còn là những hình ảnh qua bộ tranh phong cảnh 6 tấm post card được tặng kèm do hoạ sĩ Vũ Tiến sáng tác, đã khiến cảm xúc và sự hồi tưởng của người xem hoà quyện, thăng hoa hơn.
Tác giả Phi Tân ,Sinh 1973. Quê quán: Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Hiện đang làm việc tại Đài phát thanh và truyền hình Huế.
Tác phẩm đã xuất bản: Ngoại ô thương nhớ (tập tạp văn, 2020).
Các tác phẩm do Chibooks xuất bản: Bên sông Ô Lâu (tản văn, 2021),
Về Huế ăn cơm (tản văn, 2021).
(cả 2 tác phẩm đều thuộc TỦ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, nằm trong dự án TỦ SÁCH VĂN HÓA VIỆT RA THẾ GIỚI, sẽ được dịch ra tiếng Trung và tiếng Anh).