Tôn vinh áo dài ngũ thân qua bộ sưu tập Thành phố màu di sản
(DNTO) - Chi hội “Di sản Văn hóa Áo dài - TP.HCM” thuộc Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, nghệ nhân Năm Tuyền giới thiệu đến công chúng và người yêu áo dài bộ sưu tập mang tên Thành phố màu di sản
Bộ sưu tập (BST) Thành phố màu di sản cũng vinh dự được trình diễn trong “Lễ công bố Quyết định xếp hạng các di tích Lịch sử - Văn hóa” tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, hướng đến kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Mỗi tà áo trong BST Thành phố màu di sản là sự kết tinh của giá trị truyền thống hòa và hơi thở hiện đại. Các chất liệu truyền thống như lụa Mã Châu (Quảng Nam), lụa Nha Xá (Duy Tiên) hay vải lanh dệt đan cài thông thoáng được nghệ nhân và những người thợ lành nghề sử dụng khéo léo, tạo nên những chiếc áo dài ngũ thân mang đến sự thoải mái và tiện nghi cho người mặc.
Chọn các màu trầm ấm làm chủ đạo nhưng BST không đơn điệu mà phối trộn thêm các sắc tươi sáng của một thành phố năng động như sự hòa điệu giữa cũ và mới, giữa xưa và nay. Bên cạnh các sắc trơn thuần khiết, một số áo được thêu hoa văn họa tiết theo phong cách cung đình Huế, đưa người mặc trở về một thời Y quan rực rỡ của triều Nguyễn. Cũng có những thiết kế ứng dụng hoa văn đương đại tinh tế, như một thông điệp về sự tiếp nối sống động những giá trị vượt thời gian của tà áo ngũ thân trong đời sống ngày nay.
Nghệ nhân Năm Tuyền cho biết, việc quy tụ các nghệ nhân may áo dài gắn liền với “nghề truyền thống của gia đình” và các nhà thiết kế trẻ là mục tiêu ưu tiên phát triển của Chi hội. “Chúng tôi hy vọng sự gắn kết giữa người trẻ và các nghệ nhân đã và đang làm công tác bảo tồn di sản văn hóa sẽ tạo nên những bước chuyển kế thừa mềm mại, tạo ra tiếng nói mạnh mẽ hơn hướng đến sứ mệnh chung: đồng hành cùng Hội Di sản Văn hóa TP.HCM nghiên cứu phát huy giá trị Di sản Văn hóa Áo dài” - nghệ nhân Năm Tuyền cho biết.
Hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề may và thành công với thương hiệu đồ cưới xuất khẩu A Soẻn, từ năm 2019, Năm Tuyền bắt đầu tìm hiểu về Áo dài ngũ thân và quyết định xây dựng thương hiệu Áo dài mang tên ông. Năm 2020, ông giới thiệu BST Áo dài ngũ thân đầu tiên tại Phố Cổ Hà Nội. Năm Tuyền cho biết, làm Áo dài với ông là trách nhiệm, là lời tri ân của ông với nghề may nói riêng và với văn hóa dân tộc nói chung.
Mong mỏi đưa Áo dài ngũ thân tiệm cận hơn với công chúng, Năm Tuyền đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để chuẩn hóa quy trình may, cũng như hạn chế khuyết điểm của áo khi may trên các chất liệu khác nhau. Từ đó, ông tạo ra những chiếc áo thoải mái khi mặc và có giá thành hợp lý. Nghệ nhân Năm Tuyền giữ nguyên dáng vẻ của áo dài ngũ thân mà cha ông đã sử dụng hàng trăm năm trước - giản dị nhưng tinh tế trong từng chi tiết, kỹ thuật trong tạo hình và nghệ thuật trong phối màu.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang và cuộc phục sinh thầm lặng nhưng mãnh liệt của trang phục truyền thống trong giới trẻ, để phát huy vai trò của Áo dài ngũ thân trong đời sống đương đại và để người trẻ hiểu đúng giá trị truyền thống của Áo dài - một Di sản Văn hóa Y phục cha ông để lại, Hội Di sản Văn hóa TP.HCM quyết định lập riêng Chi hội “Di sản Văn hóa Áo dài - TP.HCM.
Trong buổi ra mắt Chi hội “Di sản Văn hóa Áo dài - TP.HCM” ngoài BST: “Thành phố màu Di sản” của Nghệ nhân Năm Tuyền còn có BST “Sắc sen” của Nghệ nhân Áo dài Dung Nguyễn và BST “Điệp vũ Liên Hoa” của nhóm Thiết kế trẻ: Tuấn Khang - Nguyễn Thái Nhạc - Nguyễn Trung Thành.