Tiệm tạp hóa cũng phải thay đổi để giữ chân khách hàng
(DNTO) - Tiệm tạp hóa quy mô nhỏ từ lâu đã gắn chặt với tập quán mua sắm của người Việt. Thuận tiện mua sắm và sự thân thiện của người bán khiến cho tiệm tạp hóa có một sức sống riêng biệt. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, tiệm tạp hóa cũng phải thay đổi để giữ chân khách hàng.
Tiệm tạp hóa truyền thống
Tiệm tạp hóa là một hình thức buôn bán nhỏ lẻ trong dân gian, có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, len lỏi trên các tuyến đường, con hẻm, khu phố, xóm làng... Có lẽ hình thức kinh doanh này tại nước ta bắt nguồn từ người Hoa nên trước đây còn có tên gọi tiệm hàng xén hay tiệm chạp phô.
Về các mặt hàng kinh doanh thì cái tên tạp hóa đã chỉ rõ: Nhiều, đa dạng, thiết yếu… Nó là cánh tay đắc lực đưa hàng hóa tiếp cận tới người tiêu dùng nhanh và thuận tiện nhất. Hình thức buôn bán này đã trở thành văn hóa của người tiêu dùng, nhất là người dân ở các vùng xa chợ. Thậm chí đây là cái nghề gắn liền với tên người có khi cho đến hết cuộc đời mặc dù không còn “hành nghề” nữa. Chẳng hạn như dì Tám quán, cô Bảy tiệm hay chú Chệt chạp phô…
Do ít tiền, do thói quen hay mua đồ lặt vặt, cần tới đâu mua tới đó, ngại đi xa… của người dân nên các tiệm tạp hóa lúc nào cũng có một đội ngũ khách quen thường xuyên, ổn định và đông đảo.
Tiệm tạp hóa không ràng buộc khách hàng bởi bất kỳ một nội quy nào. Đó không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi tám chuyện, hỏi thăm, chia sẻ tâm tư tình cảm giữa chủ và khách bởi họ thường là người quen.
Khách hàng còn được chủ tiệm nhớ cả thói quen sở thích; sẵn sàng cho thêm cọng hành trái ớt, bớt vài ba đồng lẻ; có thể mua trước trả sau (mua chịu) nếu lỡ đem thiếu tiền; đặc biệt, con nít cũng có thể đi mua một mình. Đây là những điều mà các cửa hàng tiện lợi, siêu thị không thể đáp ứng.
Tuy nhiên, các tiệm tạp hóa có quy mô nhỏ thường được kinh doanh bởi hộ gia đình hoặc cá nhân. Ít người đảm đương, công việc bận rộn… khiến họ không có thời gian, ít khi chú ý đến xuất xứ nguồn gốc hàng hóa; bày trí… thường bề bộn, không khoa học, bắt mắt; phục vụ không được nhanh gọn, thường xảy ra mếch lòng, cãi vã vì các mối quan hệ nhập nhằng tiền bạc, thị phi…
Tiệm tạp hóa cần thay đổi để giữ chân khách hàng
Để phù hợp với sự phát triển văn minh hiện đại, phục vụ có hiệu quả nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các tiệm tạp hóa truyền thống cần đổi mới để giữ chân khách hàng.
Tiệm cần sạch sẽ thoáng mát, không chật chội, bề bộn; bày biện khoa học; hàng hóa phong phú có nguồn gốc, xuất xứ cụ thể; giá cả phải chăng, niêm yết rõ ràng, cân chính xác; bán hàng có hóa đơn, bỏ thói quen “tính rợ” (tính tiền bằng miệng); áp dụng hình thức bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà… Đặc biệt, thanh toán không tiền mặt khi khách có yêu cầu.
Theo Nielsen IQ Việt Nam, hiện nay tiệm tạp hóa truyền thống nhỏ lẻ trên toàn quốc ước khoảng hơn 1 triệu điểm. Còn theo ông Nguyễn Văn Phượng, chuyên gia Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, kết quả khảo sát của hội cho thấy, có tới 70% người tiêu dùng chọn mua hàng tại các tiệm tạp hóa. Tiệm tạp hóa đồng thời lại vừa có khả năng bán cả sỉ và lẻ. Đây chính là “con mồi béo bở” của nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại nhắm vào đầu tư cho phân khúc này.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đã khảo sát, tham quan một số tiệm tạp hóa truyền thống. Ông đề nghị nên triển khai rộng rãi mô hình kinh doanh này với sự hỗ trợ từ nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại.
Có thể thấy, tiệm tạp hóa quy mô nhỏ từ lâu gắn chặt với tập quán mua sắm của người Việt. Thuận tiện mua sắm và sự thân thiện của người bán khiến cho tiệm tạp hóa có một sức sống riêng biệt. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, các hộ kinh doanh tiệm tạp hóa cũng phải thay đổi, cải tiến trong cách vận hành, cung cách phục vụ; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chăm sóc khách hàng tốt hơn...
Chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại, tiệm tạp hóa trong nhiều năm tới, vẫn tiếp tục góp mặt trên thị trường bán lẻ song song với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Thậm chí có thể “bắt tay” với các hệ thống siêu thị để nâng cấp trở thành cửa hàng bán lẻ hiện đại. Hy vọng những “tiệm tạp hoá số” giống như tại Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia sẽ sớm “hiện thực hóa” tại Việt Nam.