Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Xử phạt nghiêm ngân hàng 'đảo nợ' trong đầu tư trái phiếu
(DNTO) - Không loại trừ khả năng có ngân hàng tiến hành mua trái phiếu doanh nghiệp để 'đảo nợ' và thực chất điều này đang dẫn đến nhiều rủi ro cao hơn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động trên “Khó tránh khỏi con mắt thanh tra trong ngành ngân hàng”, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Rủi ro từ "đảo nợ"
“Đây là cách các ngân hàng làm đẹp sổ sách của mình”, tuy nhiên lại đang tạo rủi ro cao hơn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo ông nhìn nhận, hiện tượng "đảo nợ" vẫn tồn tại ở một số ngân hàng trong hoạt động mua trái phiếu. Ví dụ cụ thể, một doanh nghiệp nào đó đang có nợ với ngân hàng và khoản nợ này có khả năng chuyển sang nợ nhóm 4, nhóm mất vốn 50%, nếu 180 ngày nữa doanh nghiệp không thể thanh toán. Nếu cứ tiếp tục giữ 180 ngày nữa thì khoản nợ này lại tiếp tục bị chuyển sang nhóm 5, nhóm mất vốn hoàn toàn. Và điều này vô cùng nguy hiểm với doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, ngân hàng sẽ mua trái phiếu của doanh nghiệp đó khi doanh nghiệp này phát hành. Tiền từ ngân hàng sẽ về tay doanh nghiệp và họ dùng số tiền trên để trả nợ cho khoản nợ xấu tại chính ngân hàng này. "Điều này là không được phép nhưng tôi không loại trừ khả năng có ngân hàng làm thế để đảo nợ xấu thành nợ tốt", ông Hiếu chia sẻ.
Liệu có hay không việc "bắt tay" ngầm giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp là câu hỏi được nhiều người đặt ra? Về lý thuyết, những rủi ro của ngân hàng trong hoạt động đầu tư trái phiếu không thay đổi nhiều, thậm chí chỉ đơn thuần về mặt thủ tục giấy tờ khiến các báo cáo của ngân hàng đẹp hơn. Rủi ro nhiều hơn lại nằm ở chính doanh nghiệp.
"Trên thực tế, việc đảo nợ đang tạo độ rủi ro cao hơn. Tâm lý lơ là và thiếu cảnh giác trong việc trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp khiến nguy hiểm bắt đầu từ đây", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Quả "bom nợ" chỉ chuyển từ nhóm này sang nhóm khác, gánh nặng của doanh nghiệp vẫn còn nguyên, thậm chí đáng sợ hơn khi "đường lùi" không còn nhiều với doanh nghiệp, nhất là khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo thị trường phát triển bề vững và trong sạch hơn trong giai đoạn tới. Doanh nghiệp và ngân hàng có sự gắn bó mật thiết với nhau, một khi doanh nghiệp có mệnh hệ gì thì ngân hàng cũng thất thiệt không nhỏ.
Cũng theo ông Hiếu, ngân hàng luôn là thành phần "khôn ngoan" trong giỏ khách hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: "Ngân hàng hiểu về phân tách tín dụng, hiểu về các chỉ số tài chính nên khi họ mua trái phiếu của một doanh nghiệp thì họ thường làm điều tra, nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp đó nên họ mua thường là trái phiếu tốt, rủi ro cho các ngân hàng là thấp".
"Tuy nhiên các trái phiếu còn lại trên thị trường, những trái phiếu có độ rủi ro cao hơn, lại dành cho đại chúng, cho các thành phần kinh tế khác", ông Hiếu nhận định. Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường ít thông tin về doanh nghiệp, nếu chỉ chăm chăm chạy theo tỷ lệ lãi suất thì mức độ rủi ro sẽ lớn hơn nhiều.
"Khó qua được mắt thanh tra"
Phân tích kỹ hơn về hiện trạng "đảo nợ", ông Hiếu chia sẻ: "Các doanh nghiệp không phát hành trực tiếp trái phiếu mà sẽ thông qua các công ty khác có thể là công ty con hoặc công ty liên hệ với họ, nhờ các công ty đó phát hành trái phiếu. Ngân hàng sẽ mua trái phiếu từ những công ty liên quan này".
Vấn đề nằm ở chỗ, các công ty liên quan chỉ "gắn" với doanh nghiệp qua sự cam kết, thông đồng chứ không phải liên quan bằng vốn chủ sở hữu. Ông Hiếu ví von: "Do đó, trên sổ sách có trái phiếu của công ty A,B,C... nào đó chứ không phải của công ty đang có nợ xấu B,E,F...".
Điều này gây khó cho việc thanh tra, giám sát tại các nhà băng. Tuy nhiên theo ông Hiếu: "Thực ra tất cả hoạt động đều thông qua hệ thống ngân hàng, thành ra đều để lại dấu vết. Nếu thanh tra làm việc kỹ càng thì mọi việc khó qua mắt họ".
Ông cũng đề xuất: "Nếu phát hiện ra những hiện tượng như trên cơ quan giám sát phải xử phạt những ngân hàng đó mới mong làm trong sạch thị trường trái phiếu".
Ngân hàng lạc quan
Câu hỏi băn khoăn về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được các cổ đông chất vấn khá nhiều tại đại hội cổ đông các ngân hàng vừa qua.
Tại Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank), Phó chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện chiếm 4% dư nợ tín dụng ngân hàng. Đây là con số không lớn và "đang ở vùng an toàn", bà Thảo đánh giá và cho biết thêm, "mảng này còn nhiều dư địa trong thời gian tới".
Mặc dù đang nắm giữ 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, con số được đánh giá cao nhất nhì so với các nhà băng khác, nhưng ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank vẫn lạc quan cho biết: "Việc nắm giữ lượng lớn trái phiếu xuất phát từ sự tin tưởng khả năng quản lý rủi ro và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu đầu tư".
Hoạt động nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp còn được biết dến tại nhiều nhà băng với giá trị lên tới trên chục ngàn tỷ đồng như MB, VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank...
Số liệu từ SSI Research dựa trên sự theo dõi 15 ngân hàng thương mại được với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống cho thấy, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng này đầu tư là 214.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2021, con số này tăng 17% so với cuối năm 2020.
FiinGroup cũng cho hay, tính đến cuối năm 2021, quy mô tín dụng trái phiếu các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang ở mức 273.900 tỷ đồng, chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng.
Những con số trên cho thấy tỷ lệ tín dụng trái phiếu của các nhà băng mặc dù tăng cao theo thời gian, nhưng chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Điều này cũng có thể là nguyên nhân khiến các nhà băng lạc quan?
Thị trường trái phiếu cũng không thể phát triển lành mạnh nếu vẫn còn đâu đó hiện tượng "câu kết" hỗ trợ cho các doanh nghiệp "đảo nợ" hay những biện pháp lách luật để cho vay bất động sản tại các ngân hàng. Ngân hàng hay nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thì đều có thể bị thất thiệt nếu các doanh nghiệp khó khăn.
Việt Nam hiện có sự liên thông rất lớn giữa thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán/cổ phiếu. Do đó, bất kể sự tác động nào trong chuỗi mắt xích trên đều để lại hậu quả khó lường.
Như Doanhnhantrevietnam.vn đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở 8 ngân hàng thương mại, gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank. Đến tháng 4, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng. Riêng Baoviet Bank do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra. Kết quả thanh tra đã được gửi trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |