Chuyên gia nêu giải pháp kiểm soát lạm phát năm 2021
(DNTO) - Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, năm 2021, để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Đạt được mục tiêu kép
PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức lớn bất ngờ chưa từng có trong tiền lệ do đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, hạn hán… liên tiếp xảy ra, nhất là trong những tháng cuối năm ở miền Trung, làm cho khó khăn thêm chồng chất.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chung và so sánh với các nền kinh tế khác, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Năm thành công trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nước khu vực và thế giới rơi vào suy thoái.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 Việt Nam thành công kép khi vừa tăng trưởng dương, vừa kiểm soát được lạm phát, điều không nhiều nền kinh tế làm được trong năm 2020.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019. Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2020 dưới 4% của Quốc hội đề ra đã đạt được trong bối cảnh một năm có nhiều biến động khó lường.
Chỉ ra nguyên nhân CPI bình quân năm 2020 tăng, TS. Ngô Trí Long cho biết, nguyên nhân đầu tiên là giá các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,17%), trong đó giá gạo tăng 5,14% do giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng.
Thứ nữa, các mặt hàng thực phẩm tăng 12,28% so với năm trước (làm CPI chung tăng 2,61%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 57,23% (làm CPI chung tăng 1,94%).
Ngoài ra, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35% do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu về mặt hàng này ở mức cao…
Đánh giá cao vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Bộ Tài chính, ông Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Tài chính đã chủ động trong thực hiện phối hợp với các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Bộ Tài chính cũng đã chủ động dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong các giai đoạn ngắn hạn cũng như cả năm 2020, góp phần thành công trong điều hành giữ chỉ tiêu lạm phát năm 2020.
Những thách thức kiểm soát lạm phát trong năm 2021
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, năm 2021 vẫn rất khó đoán định. “Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng khoảng 6,7% trong năm 2021, và sẽ ổn định quanh mức 6-7% các năm tiếp theo. Trong khi mục tiêu tăng trưởng lại là một thách thức lớn. Tăng trưởng 6% có nghĩa, tốc độ tăng trưởng GDP của năm tới gần như gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng đạt được của năm nay”, ông Long nói.
Theo ông Long, chúng ta muốn phục hồi kinh tế trong bối cảnh cả cầu trong nước và ngoài nước vẫn đang suy giảm bởi tác động của dịch bệnh, thì cần phải có các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, tư duy điều hành và khung khổ điều hành cần phải có những đột phá.
“Kích thích kinh tế rõ ràng là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phải khác, thâm hụt ngân sách phải lớn hơn, nợ công thay đổi, kèm với đó phải tập trung kích thích kinh tế vào đâu và chi tiêu của Nhà nước phải tăng lên, đặc biệt là chi tiêu về đầu tư. Phải đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, coi đây là giải pháp căn bản để đảm bảo hoạt động sản xuất cung ứng và tiêu dùng cốt yếu. Điều này đã được khẳng định trên thực tế diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng như để đảm bảo cho phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt”, ông Long nhấn mạnh.
Nếu dịch được kiểm soát, năm 2021, đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, sẽ dùng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ nông nghiệp, vì đây là sống lưng của kinh tế Việt Nam và năm 2021 chưa phải là thời điểm đề kỳ vọng nhiều vào du lịch.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại có thể là công cụ để phát triển xuất khẩu, nhưng không nên quá lạc quan với những hiệp định đó, bởi nếu kinh tế thế giới rơi vào ngõ cụt thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả những điều đó tạo nên những yếu tố làm cho áp lực lạm phát gia tăng.
TS. Ngô Trí Long đưa ra dự báo một số yếu tố tác động đến CPI năm 2021. Thứ nhất, biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu; những bất ổn do tác động của tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới tạo sức ép lên nền kinh tế của Việt Nam; năm 2021 có thể tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường và tình hình rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng trong năm.
Bên cạnh đó, những yếu thông tin tích cực về vaccine Covid-19 làm tăng hy vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu; chính sách tiền tệ hiện vẫn đang được điều hành ổn định trong nước… sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong năm.
Theo TS. Ngô Trí Long, để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.
“Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, ông Long khuyến nghị.