Chuyên gia: Doanh nghiệp vẫn có cơ hội trong suy thoái vì không ai có thể ‘ăn tất, làm cả’
(DNTO) - Lo lắng của doanh nghiệp về kinh doanh khó khăn khi kinh tế thế giới suy thoái là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong mọi thời điểm “nguy” cũng đều có “cơ” khi doanh nghiệp tìm được những thị trường ngách phù hợp cho mình.
Cơ hội từ FDI
Đà phục hồi kinh tế gập ghềnh hơn đã phủ bóng u ám tới tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia trong buổi tọa đàm "Cơ hội kinh doanh năm 2023", do Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (Trường Đại học Ngoại thương), tổ chức chiều 16/2, cũng cho biết doanh nghiệp có không ít cơ hội từ biến động kinh tế hiện nay.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới vẫn đang hiện hữu khi các nhà đầu tư ngày càng muốn đa dạng hóa điểm đầu tư, giảm phụ thuộc một một vài thị trường nhất định.
Minh chứng là rất nhiều thuật ngữ được hình thành để ám chỉ quan điểm dịch chuyển đầu tư của các nền kinh tế lớn, từ near-shoring (chuyển về các thị trường lân cận), hay re-shoring (đưa doanh nghiệp trở lại thị trường nội) hay friend-shoring (kết hợp với các thị trường có cùng mục tiêu).
Đặc biệt, ông Dương cho biết, việc dịch chuyển đầu tư hiện không còn là tính toán riêng của các nhà đầu tư mà còn có động lực thúc đẩy từ các Chính phủ. Và Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp nên tính toán để thay đổi quy trình sản xuất phù hợp với đối tác hay tính toán đến việc kết hợp với đối tác để thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Phương Hoa, CEO Công ty tư vấn tài chính Bloomax, cho biết trong 20 năm trở lại đây, sự phát triển nhanh của Trung Quốc đã khiến các chiến lược của nhiều nước cũng tập trung đầu tư sản xuất vào nước này mang rất nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc ra toàn cầu. Nhưng rủi ro khi đầu tư vào các nước phát triển là lo ngại về sự mất mát bản quyền, trí tuệ, công nghệ. Đó là lý do nhiều nước đang lên kế hoạch rời Trung Quốc.
Ví dụ như Nhật Bản, trong hai năm nay, Chính phủ nước này cũng tăng cường cấp vốn hỗ trợ để các doanh nghiệp rời các nhà máy. Đây là cơ hội để Đông Nam Á và Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để các nhà đầu tư tìm đến.
“Trước dịch chúng tôi làm việc với làm việc với nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, hiện họ đang muốn kết nối lại. Các quỹ đầu tư và doanh nghiệp của Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ mong muốn tìm kiếm doanh nghiệp sản xuất, thương mại, hay một nhóm doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm kiếm ý tưởng của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn”, bà Hoa cho biết.
Trở thành mắt xích nhỏ trong chuỗi lớn
Khi Việt Nam có cơ hội nhiều hơn trong việc đón làn sóng FDI, thì cơ hội của doanh nghiệp cũng gia tăng, dẫu kinh tế thế giới đang có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Bởi theo bà Nguyễn Phương Hoa, trong nhiều năm nay, doanh nghiệp Việt Nam đã tạo được uy tín khi hợp tác với các đối tác. Doanh nghiệp hàng phụ trợ Việt Nam đã cung cấp nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới. Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) ghi nhận đơn hàng của các thành viên ngày càng tăng.
Mặc dù xu hướng các nước đều đang giảm phụ thuộc, tăng cường sức chống chịu, tính tự chủ hay thậm chí li khai về kinh tế; nhưng theo bà Hoa, đó chỉ trên bề nổi. Thực chất, vẫn giống như nền kinh tế thế giới đang vận hành, các nền kinh tế hay các doanh nghiệp vẫn phải dựa vào nhau để sống. Vì các doanh nghiệp khi họ mở ra kinh doanh đều hướng tới lợi nhuận, do đó, họ phải tìm đối tác để có thể gia công hay hỗ trợ một phần công việc của họ.
Như Apple, họ sản xuất và phân phối rất tốt nhưng không thể sản xuất tại Mỹ vì chi phí rất cao và có thể không đạt được lợi nhuận, do đó họ vẫn phải gia công. Nên theo bà Hoa, dù chính sách, chế độ của các quốc gia có thay đổi như thế nào vẫn phải dựa vào chuỗi cung ứng mới hiệu quả.
“Thị trường thế giới phân chia rất rõ, nước nào phát triển lĩnh vực nào sẽ tập trung làm lĩnh vực đó. Ví dụ như Nhật, họ phát triển công nghệ hay Mỹ phát triển R&D chứ không phải phát triển nông nghiệp hay gia công.
Một doanh nghiệp muốn làm một mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam rất khó, nhưng chia nhỏ ra chúng ta vẫn làm được, các nước đã làm rất nhiều năm. Tức ai giỏi kinh doanh thì cứ việc bán hàng, ai giỏi sản xuất thì cứ sản xuất, ai giỏi nguồn nguyên liệu cứ tiếp tục cung ứng. Khi đó chúng ta tối ưu được chuỗi cung ứng, vì nếu doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chuỗi cung ứng thì rất tốn kém và thậm chí không quản lý được”, bà Hoa nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam cần nới lỏng cơ chế để thu hút doanh nghiệp FDI. Bài toán kinh tế là một đồng mang vào đầu tư sẽ sản sinh nhiều đồng khác nhau. Vì khi đầu tư, các doanh nghiệp sẽ ăn theo một chuỗi cung ứng. Nếu Việt Nam biết tận dụng cơ hội này sẽ trở thành công xưởng mới cho thế giới.