Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vững vàng trước sóng gió
(DNTO) - Làm thế nào để doanh nghiệp vững vàng vượt qua sóng gió Covid-19; chuyển đổi số có đơn thuần là chuyển đổi về mặt kỹ thuật… là những vấn đề được các diễn giả trao đổi tại hội thảo “Lãnh đạo xuyên khủng hoảng” do Alpha Books phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức mới đây.
Theo các diễn giả, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh đã và đang tiếp tục gây ra những tổn hại nặng nề trên hầu hết các lĩnh vực ở mọi cấp độ đối với đời sống, xã hội. Riêng với doanh nghiệp, thiệt hại vô cùng to lớn. Các báo cáo trong nước gần đây đã chỉ ra rất nhiều công ty, doanh nghiệp bị phá sản, vỡ nợ, phải cắt giảm nhân sự… Đó là chưa kể khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế có thể bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài.
Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (USABC), chia sẻ, không chỉ chịu tác động từ dịch Covid, doanh nghiệp Việt trong thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian tới còn phải đối mặt với nhiều biến động ảnh hưởng từ chiến lược vành đai xâm lược của Trung Quốc, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi số.
“Khi xảy ra dịch Covid, rất nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới bị điêu đứng, đình trệ, thậm chí phá sản, chỉ có những công ty công nghệ vẫn phát triển tốt, cổ phiếu tăng đều… Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi số đối với mọi doanh nghiệp nếu muốn vững vàng trước mọi khủng hoảng”, bà Bùi Kim Thùy nói.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, Việt Nam có thuận lợi là đã khống chế được dịch Covid nhanh hơn các quốc gia khác trên thế giới. Trong khi nền kinh tế cả thế giới đang suy giảm, thì Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng được 2,2 %.
“Tuy nhiên, chúng ta không thể mài 2,2 % này ra để ăn được. Chúng ta vẫn phải đối mặt với chuyện làm sao nâng cao khả năng để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút được đầu tư có lựa chọn. Hàm lượng về nội địa cũng như tư cách về thương hiệu, sự vững vàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng ta hiện nay rất yếu. Mình cứ nói mình hãnh diện là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, số 1 về hồ tiêu, về điều, về cà phê, nhưng đa phần chúng ta đều chỉ xuất thô”, bà Hạnh trăn trở.
Theo bà Hạnh, kinh tế Việt Nam còn yếu cả về mảng công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực, cụ thể là thiếu nhân lực cho kỹ thuật, công nghệ mới, cho chuyển đổi số. Câu hỏi đặt ra là đối mặt với khủng hoảng cũng như những thách thức đó, doanh nghiệp làm gì để có thể tồn tại và phát triển.
Với kinh nghiệm 18 năm làm việc tại Samsung Việt Nam và nhiều năm làm việc tại các công ty, quỹ đầu tư, ông Tô Chính Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo “xuyên khủng hoảng” đầy tính thực chiến của mình. Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp cần phải có dòng tiền tối thiểu để duy trì hoạt động, giống như cần phải có máu trong cơ thể.
“Đối mặt với khủng hoảng, chúng ta buộc phải nhớ đây là cuộc khủng hoảng kinh khủng. Các doanh nghiệp/ doanh chủ cần hành động như Samsung đã áp dụng khi giải quyết các khủng hoảng của mình. Đó là nếu không có lãi, đóng cửa ngay lập tức, không có chuyện nuôi và hy vọng sang năm nó có thể sinh ra lãi hay gì đó”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy. Thị trường đã thay đổi, thậm chí thay đổi một cách đột biến, nên doanh nghiệp/doanh chủ không thể tư duy theo kiểu cũ. "Ở Việt Nam, đợt Covid-19 thứ hai đã đẩy tiến trình online lên một tốc độ đáng kinh ngạc. Bây giờ bán hàng không cần phải offline và bếp ở trên đám mây chứ không phải ở cửa hàng nữa. 4.0 tác động làm cho hoạt động tiếp cận khách hàng hoàn toàn trở nên khác biệt và online là một cái giải pháp rất là rõ ràng", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, khủng hoảng Covid đẩy mạnh nhu cầu và tính cấp thiết phải giải quyết các vấn đề còn tồn đọng ở các công ty. Trong quá trình phát triển, lúc nào công ty cũng cần hoàn thiện, cải cách; nhưng vì doanh nghiệp quá bận bịu với dòng tiền, với công việc hàng ngày, không có thời gian nào dừng lại để làm những công việc đó. Mặt tích cực của Covid là tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp thực hiện việc này, để dứt khoát cắt bỏ cái cũ và phát triển cái mới.
Bà Kim Hạnh nhấn mạnh, chuyển đổi số là vấn đề căn bản để doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp không nên nghĩ chuyển đổi số với sự hạn hẹp về mặt kỹ thuật. Đơn giản với nền nông nghiệp, chuyển đổi số là không tách rời khỏi nền nông nghiệp hiện đại của thế giới. Người ta không thể chấp nhận sản phẩm của chúng ta nếu như nó không đạt tiêu chuẩn và chất lượng, không truy xuất được nguồn gốc, hay đảm bảo tất cả các yếu tố về an toàn.
“Chuyển đổi số là doanh nghiệp phải làm tiêu chuẩn quản lý bằng số như thế nào, ghi nhật ký, truy xuất nguồn gốc, QR code làm sao… Khi đã đạt tiêu chuẩn rồi thì doanh nghiệp phải làm các bước khác để người ta tiếp nhận mình trong môi trường của người ta. Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu về chuyển đổi số, số hóa; thực hiện nó để quản trị và thay đổi các điều kiện để thâm nhập được vào chuỗi cung ứng của thế giới”, bà Hạnh nói.
Trong khủng hoảng, vai trò lãnh đạo của người chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, để có thể dẫn dắt doanh nghiệp mạnh mẽ bước qua cơn sóng gió, sống được trong khủng hoảng và sống khỏe khi mọi thứ phục hồi.
Ông Phạm Trí Nguyễn, Thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông cho rằng, với vai trò này, lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải có cách nhìn cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho con đường phía trước.
Vấn đề giáo dục, đào tạo nhân lực để đáp ứng quá trình chuyển đổi số, tái cấu trúc, sẵn sàng đối phó với mọi khủng hoảng là vấn đề được tất cả các diễn giả đồng tình.
Ở khía cạnh này, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long cho rằng việc đào tạo lực lượng nhân sự nên chia theo những giai đoạn khác nhau, căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội.