Chương trình phục hồi kinh tế chậm do 'bộ, ngành làm đi làm lại đề xuất'
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế rất chậm có phần nguyên nhân do đề xuất của các bộ, ngành, địa phương không sát thực tế và "khi về thay đổi tùm lum, tà la".
Sáng 13/2, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2).
Theo báo cáo của Chính phủ, sau khi giao đợt 1, tổng số vốn còn lại của Chương trình chưa phân bổ, giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 28.862 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 25.530 tỷ đồng của 169 dự án đã được Thủ tướng thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Cùng với đó là 3.332 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết, chưa thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cũng theo ông Dũng, trong tổng số 169 dự án với số vốn là 25.530 tỷ đồng nêu trên, có 129 dự án với số vốn dự kiến hơn 14.710 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Còn lại 40 dự án với số vốn dự kiến hơn 10.819 tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư...
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị, đối với 129 nhiệm vụ, dự án có số vốn dự kiến là 14.710 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn, thì Chính phủ cần rà soát kỹ về thời hạn hoàn thành, khẩn trương giao vốn, phân bổ cho các dự án cụ thể.
"Chúng tôi cố gắng tới 31/3 phải phân bổ hết vốn giao cho các dự án thuộc chương trình phục hồi. Nếu bộ, ngành địa phương nào chậm thì theo nghị quyết 43 sẽ dừng không thực hiện", Bộ trưởng nêu rõ.
Đối với số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư (14.151 tỷ đồng), với thời hạn thực thi không còn nhiều sẽ dẫn đến khó có khả năng đảm bảo việc triển khai thực hiện và hoàn thành giải ngân vốn trong năm 2023.
Báo cáo thẩm tra cũng thống nhất cho phép điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện 4 dự án đường cao tốc.