Chứng khoán tháng 6: Tiếp tục chờ đợi?
(DNTO) - Nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục, chờ sức ngấm của chính sách. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn chưa đủ mạnh, nhà đầu tư cần tính đến điều này trong ý tưởng đầu tư tháng 6 này và giai đoạn cuối năm.
Nhiều yếu tố vĩ mô còn thách thức
Nhiều chỉ tiêu kinh tế tháng 5 vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhẹ so với tháng trước, so với cùng kỳ chỉ tăng 2,43%, cho thấy dấu hiệu yếu đi của cầu tiêu dùng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 136 tỷ đô la, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 126 tỷ đô la, giảm mạnh hơn với 17,9%. Hoạt động xuất nhập khẩu không mấy khởi sắc, đặc biệt là sự suy giảm với hoạt động nhập khẩu cho thấy nhu cầu với đơn hàng trong nước bị suy giảm.
Trong khi đó, dù phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt với lãi vay, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế còn chậm. Tính tới ngày 9/5, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,69%, khá thấp so với mục tiêu mà NHNN đặt ra.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khả năng tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 6 và năm nay, khó để đà tăng này có thể dừng lại, nguy cơ đe doạ dòng vốn ngoại trong nước. Điều này xuất phát từ hai dữ liệu quan trọng mới công bố: GDP quý 1 tăng trưởng 1,3%, cao hơn ước tính ban đầu là 1,1%; chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 4,4% trong 12 tháng, kết thúc vào tháng 4, cao hơn mức 4,2% của tháng 3.
Nhìn chung, dù đã có nhiều chỉ tiêu cải thiện trong tháng 5 như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế trong nước được nhận định vẫn trong thời kỳ từng bước hồi phục và còn chờ sức ngấm của các chính sách mới.
Chứng khoán tháng 6: Tiếp tục chờ đợi
"Các chỉ số kinh tế tháng 5 đã cải thiện hơn dù đang yếu. Tuy nhiên điều này chưa đủ để thay đổi bản chất nền kinh tế và sẽ liên quan đến ý tưởng đầu tư trong tháng 6 và giai đoạn cuối năm", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt phân tích với nhà đầu tư.
Theo phân tích của ông, xuất nhập khẩu sẽ tốt hơn trong thời gian tới khi hàng tồn kho rồi sẽ có lúc hết. Xu hướng đơn hàng cũng sẽ hồi phục dần. Khi các chỉ số chưa có thay đổi rõ rệt và đột biến, sự chờ đợi là quan trọng ở thời điểm hiện tại.
Thực tế, thị trường chứng khoán tăng điểm thời gian qua đến chủ yếu từ hai yếu tố: Một là chiết khấu của thị trường đã quá lớn, tức giá đã rẻ, nên hấp dẫn nhà đầu tư và hai là nhờ vào sự kỳ vọng của các chính sách. Tuy nhiên, kỳ vọng phải được phản ánh vào nền kinh tế mạnh mẽ mới tạo được hiệu ứng tốt. Trong khi đó, thực tế những con số của kinh tế tháng 5 lại chưa phản ánh được điều gì rõ nét.
Mặt khác, lãi suất đang được hạ xuống, những khoản tiền gửi của các năm 2021-2022 đến kỳ đáo hạn. Tháng 6, thị trường chứng khoán có thể được đón thêm dòng tiền này sau khi đã rút khỏi ngân hàng. Với các khó khăn và thuận lợi đan xen, nhà đầu tư phải luôn quan sát, chờ đợi để có chiến lược đầu tư phù hợp.
Dự đoán về thị trường, theo ông Hoàng: "Tâm lý nhà đầu tư thích cầm hàng giá rẻ ăn nhanh, ngành chứng khoán và bất động sản khả năng vẫn nóng trong thời gian tiếp theo".
Cũng theo ông, khi lạm phát không phải vấn đề lớn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các chính sách. NHNN có thể cũng sẽ mạnh tay hơn khi nền kinh tế vẫn còn chưa đủ mạnh.