Chờ đợi dòng FDI tăng mạnh từ phía Hoa Kỳ
(DNTO) - Dù là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam nhưng so với nhiều thị trường khác, dòng vốn FDI của Hoa Kỳ vào nước ta còn thấp so với tiềm năng.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đến Việt Nam
10 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam gần 513 triệu USD, với 96 dự án cấp mới, 22 dự án điều chỉnh tăng vốn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mặc dù là đối tác thương mại lớn thứ hai, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng vốn FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chỉ chiếm dưới 3% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Mới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện. Sự hợp tác này kỳ vọng sẽ mở đường cho dòng FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Bà Winie Wong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa được nâng cấp có lợi cho nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh đến giáo dục, văn hoá, năng lượng, y tế…
Đặc biệt với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, vị này nhận định họ sẽ tham gia trực tiếp vào hoạt động đầu tư nước ngoài FDI nhiều hơn.
“Chúng tôi thấy nhiều cơ hội hợp tác hơn trong vấn đề thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như quan hệ đối tác về công nghệ và hợp tác phát triển bền vững”, bà Winie Wong nói.
Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện các doanh nghiệp thành viên Amcham Vietnam đặc biệt quan tâm đến đầu tư bền vững và năng lượng xanh. Lĩnh vực thứ hai là khai phá tiềm năng của nền kinh tế số, các nhà đầu tư Hoa Kỳ mong muốn mang đến công nghệ số vượt trội nhằm thúc đẩy nền kinh tế số ở Việt Nam.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp Đại học Fulbrigh của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết trong quá trình chuyển dịch các ngành thâm dụng lao động sang các ngành thâm dụng công nghệ, ở Việt Nam, các khuôn khổ hợp tác chắc chắn sẽ được nâng tầm lên mức cao hơn nữa.
Bởi các doanh nghiệp Hoa Kỳ nắm giữ rất nhiều công nghệ nguồn, họ muốn tìm các đối tác để chuyển giao công nghệ và hợp tác, nâng tầm giá trị các sáng kiến công nghệ.
Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh đào tạo nhân lực, với các nhân lực có tư duy logic, toán rất tốt, đặc biệt trong những ngành công nghệ cao, kể cả bán dẫn. Trong khung khổ hợp tác mới mở ra với các ngành thâm dụng công nghệ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm thấy ở Việt Nam lợi thế về vốn con người. Vì vậy, nếu sắp tới, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được cụ thể hoá, các doanh nghiệp hai nước chắc chắn sẽ tận dụng lợi thế trên.
Ông Tuấn cho biết điều này được chứng minh bởi sự hiện diện của Intel ở Việt Nam trong 17 năm vừa qua. Intel lựa chọn Việt Nam một phần là do nguồn nhân lực Việt Nam được đào tạo rất tốt, nắm bắt được trình độ công nghệ của thế giới nhanh chóng. Ngoài ra, với các ngành thâm dụng công nghệ, hạ tầng như sân bay phải được đầu tư, nâng cấp.
“Intel vì sao đầu tư vào công nghệ cao tại TP.HCM vì họ tận dụng chất lượng cơ sở hạ tầng ở đây, đặc biệt là hàng không. Một con chip không thể xuất khẩu bằng đường biển, phải xuất khẩu theo đường hàng không. Như vậy cần cửa ngõ giao thông hàng không với quốc tế tế hiện đại. Hiện chúng ta đang đầu tư vào sân bay quốc tế Long Thành. Hi vọng đây sẽ trở thành cửa ngõ cho hàng hoá công nghệ cao dịch chuyển vào các khu vực có lợi thế cơ sở hạ tầng như vậy”, ông Tuấn nhận định.
Cần hội nhập sâu hơn vào thị trường vốn toàn cầu
Trong tương lai, đại diện Amcham cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào thị trường vốn toàn cầu, bởi thị trường tài chính cởi mở và minh bạch là yếu tố then chốt để duy trì bất kì nền kinh tế thịnh vượng nào trong dài hạn. Với tư cách là một tổ chức thương mại độc lập ở Việt Nam, đại diện Amcham chắc chắn sẽ ủng hộ và hỗ trợ thúc đẩy để Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường.
“Điều này rất quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và phát triển của chúng tôi trong tương lai vì có nhiều doanh nghiệp của chúng tôi đang tiếp tục muốn phát triển tại Việt Nam. Các thành viên Amcham hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong việc đạt được tính minh bạch, hiệu quả hành chính cao hơn và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế. Những nỗ lực này rất quan trọng đối với nền kinh tế cởi mở và theo định hướng thị trường hơn”, đại diện Amcham nói.
Vị chuyên gia tại Đại học Fulbrigh cho biết khi không gian mới về thương mại, hợp tác, đầu tư tiếp tục được mở rộng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm được các đơn hàng mới, các sản phẩm mới. Nhưng điều đó không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường dễ dàng hơn mà không đáp ứng các tiêu chuẩn của họ.
“Hiện nay, sức ép cạnh tranh giữa các thị trường càng lớn, tạo áp lực giảm giá sản phẩm trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong xu hướng tái cơ cấu của các nền kinh tế, xu hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững được chú trọng. Các ngành vốn thâm dụng lao động như dệt may, da giày giờ đây cũng chuyển hướng đầu tư công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Tuấn nhấn mạnh.