Bài học từ hàng trăm tỷ tiền nợ của ‘ông lớn’ nội thất Hoa Kỳ với doanh nghiệp Việt Nam
(DNTO) - Noble House, doanh nghiệp nội thất 30 năm tuổi tại Hoa Kỳ tuyên bố phá sản nhưng đọng lại khoản nợ hàng trăm tỷ với doanh nghiệp đối tác Việt Nam. Sự việc cho thấy việc thẩm định đối tác luôn phải được đặt lên hàng đầu để tránh rủi ro cao nhất.
Nước đến chân mới tìm... pháp lý
Đầu tháng 9 vừa qua, Noble House đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 tới Tòa án Hoa Kỳ ở quận Houston (Texas, Hoa Kỳ). Việt Nam đang có 18 doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho Noble House.
Đáng chú ý, Noble House hiện đang nợ tiền hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam như Công ty Cổ phần Phú Tài (ưkhoảng 80 tỷ đồng), và cũng ảnh hưởng tới 50% doanh thu của Công ty Cổ phần Cẩm Hà.
Hiện các doanh nghiệp này đang chạy ngược chạy xuôi để tìm tới luật sư, cơ quan chức năng giải quyết vấn đề pháp lý, nhằm lấy lại tiền hàng.
“Chúng tôi mong muốn được chỉ dẫn, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết cho các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc Noble House, để doanh nghiệp thu hồi tài sản, khắc phục các tổn thất và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Đào Quốc Hoàng, Trưởng Ban Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Tổng Công ty Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor), đơn vị đang nắm 51% vốn của Công ty Cẩm Hà, đối tác của Noble House.
Trong toạ đàm những lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, vị này cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường ưu tiên thanh toán chậm trả (60-90 ngày), không chấp nhận thanh toán L/C hay thanh toán trả ngay. Điều này khá rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trong khi đó, thông tin doanh nghiệp tại đây rất khó thu thập, đặc biệt các doanh nghiệp gia đình càng khó khăn hơn khi thông tin công bố đa phần không chính xác. Khi gặp rủi ro, khách Hoa Kỳ thường tìm cách trì hoãn hoặc tuyên bố phá sản để bảo vệ lợi ích của họ. Khi gặp sự cố, doanh nghiệp Việt Nam rất khó tìm được công ty tư vấn pháp luật về thị trường này.
“Chúng tôi mong muốn Bộ Công thương có cơ chế bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ. Cung cấp danh sách doanh nghiệp có uy tín, doanh nghiệp cần lưu ý và những thông tin liên quan. Đặc biệt làm việc với Bộ Công thương Hoa Kỳ về vấn đề pháp lý”, ông Hoàng nói.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết đã nhận được công văn báo cáo của Tổng Công ty Lâm Nghiệp Việt Nam liên quan đến sự việc Noble House. Ngay sau đó, Vụ đã có chỉ đạo với hệ thống thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để trực tiếp theo dõi, tìm kiếm thông tin cũng như đội ngũ luật sư phù hợp cho doanh nghiệp.
“Ngay trong thời gian tới, sau khi có báo cáo cập nhật nhất, cũng mong phía công ty sẽ có báo cáo cập nhật tình hình về việc trao đổi với phía Noble House, cũng như có thông tin cụ thể hơn để bàn thảo sâu hơn về những giải pháp trong thời gian tới. Ở góc độ cơ quan phụ trách, trong các cuộc trao đổi sắp tới với phía cơ quan liên quan Hoa Kỳ, chúng tôi cũng sẽ nêu vụ việc này để bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vượng nói.
Không phải cứ “ông lớn” là không cần thẩm định
Noble House được xem là một “ông lớn” trong ngành sản xuất, phân phối và bán lẻ đồ nội ngoại thất tại Hoa Kỳ. Mặc dù đã có tuổi đời 30 năm nhưng doanh nghiệp này không thể trụ vững trong bối cảnh kinh tế bất ổn, lạm phát gia tăng, người dân thắt chặt chi tiêu. Báo cáo từ Bankrupt Company News đã liệt kê khoản nợ dài hạn của công ty là 74 triệu USD và nợ kinh doanh là 65 triệu USD.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ phá sản cũng ảnh hưởng tới nhà xuất khẩu Việt Nam. Năm 2020, RTW Retalwinds, hãng bán lẻ thời trang 102 tuổi đệ đơn phá sản trong khi vẫn còn khoản công nợ hơn 166 tỷ với Công ty May Sông Hồng. Dệt may Thành Công cũng chưa thể thu hồi được 100 tỷ đồng từ Sears và các công ty liên quan từ năm 2018 sau khi các công ty này đệ đơn phá sản.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Trưởng Văn phòng Công ty Luật ID Việt Nam cho biết doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần đặc biệt lưu ý rủi ro liên quan đến vấn đề hợp đồng, thanh toán.
Ví dụ giao hàng nhưng không nhận được thanh toán hay các pháp nhân có tính chất gian lận. Bên bán đặt hàng và là bên kí kết hợp đồng, thanh toán trong hợp đồng. Nhưng khi giao hàng thì lại một bên khác nhận hàng vì bên đặt hàng và thanh toán lại là công ty “vỏ bọc”, tức công ty không có khả năng tài chính thanh toán.
“Khi doanh nghiệp phát hiện ra việc này thì đã muộn. Nếu chúng ta khởi kiện và thắng kiện thì bên đặt hàng cũng không có khả năng tài chính để chi trả”, bà Thảo nói.
Vị luật sư khuyến nghị trong quá trình thương thảo hợp đồng, doanh nghiệp nên có ban pháp chế hoặc luật sư tư vấn. Trước khi kí kết hợp đồng cần tìm hiểu về đối tác, ít nhất là khả năng tài chính của họ. Khi giao hàng cần bám sát quá trình chuyển – nhận vì đôi khi họ có thể đổi đơn vị thanh toán hoặc nhận hàng.
Thông thường, khách hàng Mỹ thường yêu cầu thanh toán TT. Nhưng trong quá trình đàm phán, doanh nghiệp có thể đưa ra một số lợi ích để hướng họ thanh toán L/C vì đây là phương án an toàn nhất cho bên bán. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp luôn phải cân nhắc và có điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng.
“Có thể mình nhượng bộ một chút về giá hoặc số lượng để đối tác dễ dàng chấp nhận nhưng đổi lại được phương thức thanh toán L/C thì nó an toàn hơn rất nhiều. Có thể L/C trong một vài lô ban đầu hoặc cho các lô hàng có giá trị lớn. Nếu tình hình tài chính doanh nghiệp có vấn đề, chúng ta không thể liều mà chấp nhận thanh toán trả chậm được”, bà Thảo nói.
Trong trường hợp của Tổng Công ty Lâm Nghiệp Việt Nam, vị luật sư cho biết sau khi nhận được thông tin về Noble House, phải có liên hệ ngay lập tức với luật sư tại Hoa Kỳ và tìm những người có kinh nghiệm trong giải quyết thủ tục phá sản để kịp thời phong toả tài sản liên quan đến hàng hoá đã bán mà chưa được thanh toán.
“Việc này sẽ phải làm một cách nhanh chóng để tham gia vào quyết định phá sản, để lợi ích của chúng ta bảo đảm. Chúng ta ở Việt Nam, doanh nghiệp nộp đơn phá sản ở Hoa Kỳ, nếu chậm chạp thì lợi ích của ta sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Trước khi giao dịch với đối tác tại Hoa Kỳ, tôi cũng tư vấn doanh nghiệp Việt Nam nên thuê tư vấn tại Hoa Kỳ để. Thông thường các dịch vụ này, các luật sư Hoa Kỳ đều có thể làm bảng điều tra về tình hình thuế, tài chính, mức độ tin cậy. Còn nếu doanh nghiệp tự tìm hiểu sẽ rất khó vì thông tin nó không sẵn có, nhất là thông tin về tình hình tài chính”, bà Thảo khuyến nghị.