Chiến lược nào cho doanh nghiệp để tăng trưởng doanh thu sau giãn cách?
(DNTO) - Sáng 27/11, tại diễn đàn "Kết nối gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trong kinh tế tập thể, hợp tác xã sau giãn cách", nhiều công cụ, giải pháp và kinh nghiệm đã được các doanh nghiệp chia sẻ để bắt nhịp sản xuất, đặt quyết tâm lớn cho những tháng còn lại của năm 2021 để thực hiện mục tiêu tăng tưởng.
Xu thế chung là minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm
Tại diễn đàn, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho rằng, thị trường ngày càng khó tính, do đó, để doanh nghiệp nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, bà con nông dân, hợp tác xã cần phải đảm bảo tính minh bạch thông qua chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; quy chuẩn sản xuất; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; xác thực thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn của bên thứ 3; khả năng kết nối thị trường qua các nền tảng, hợp đồng liên kết chuỗi giá trị.
Đồng thời, thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công sẽ được thay thế bằng nhật ký điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh.
“Chúng ta có thể theo dõi lô sản phẩm ngay từ ban đầu. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra”, ông Vinh nhận định.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh cho rằng, đây là giải pháp đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho doanh nghiệp. Đồng thời, với giải pháp này, chỉ với 1 cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được hiện nay các hợp tác xã trên toàn quốc đang có những sản phẩm gì, quy trình sản xuất ra sao, thuộc loại quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, dự báo sản lượng, thời vụ sẽ là bao nhiêu.
Cũng theo ông Thịnh, hợp tác xã cần thay đổi về tư duy để tồn tại, phát triển trong tình hình mới. Không nên đi vào công đoạn lớn, nhiều rủi ro như thương mại hay chế biến sâu. Điều cần làm là tập trung sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào. Một số tồn tại được ông Thịnh chỉ ra như nghịch lý về vốn, công nghệ.
“Tôi nghe nhiều doanh nghiệp nói mua cao hơn 10-15%, đáng quý, song chưa chắc đủ lợi nhuận hay thậm chí là chi phí đầu vào. Nhiều hợp tác xã nói họ đành chấp nhận để lấy uy tín, hình ảnh. Như thế này khó duy trì chuỗi giá trị. Điều này cho thấy hợp tác xã và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tính đường lâu dài”, ông Thịnh nói.
Đồng thời, cần đổi mới tư duy trong kinh doanh và liên kết, nên mang tư duy doanh nghiệp vào hợp tác xã, có sản phẩm tốt trong tay cần tích cực mở rộng liên kết để tạo thành chuỗi sản suất, tiêu thụ bền vững. Chỉ có tăng quy mô, chuẩn hóa sản xuất, nâng cao năng lực thì các hợp tác xã mới có thể thích ứng được với giai đoạn mới.
"Thời gian tới, các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để hợp tác xã liên kết với nhiều chuỗi siêu thị lớn, đồng thời có những đơn hàng xuất khẩu lớn, dài hạn, giúp các thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất", ông Thịnh đề xuất.
Ứng dụng chuyển đổi số, giúp tăng 10% doanh thu dù ảnh hưởng dịch bệnh
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp chia sẻ đã chủ động trong tiếp cận các sàn thương mại điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp và đã tìm thấy cơ hội để duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế.
“Trước dịch Covid-19, chúng tôi có đơn hàng ổn định với các siêu thị, nhà hàng. Song hai năm qua, tình hình đã đổi khác. Đặc biệt, trở lại sau giãn cách, chúng tôi phải chuyển tư duy kinh doanh từ "ăn ngon, mặc đẹp" sang "ăn chắc, mặc bền" do đối tác cũng phải căn cơ hơn”, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Chế biến 19/5 Sơn La, cho biết.
“Càng trong những lúc khó khăn thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho hợp tác xã là rất quan trọng. Đặc biệt, việc chuyển đổi số hóa sang dùng ứng dụng trên điện thoại, hay kinh doanh trực tuyến là rất quan trọng và phù hợp để thích ứng với tình hình mới”, đại diện hợp tác xã nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), trong quá trình sản xuất nông nghiệp, Chúc Sơn là một trong số ít hợp tác xã ở Hà Nội tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn và các sàn giao dịch thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, hợp tác xã đã ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống hợp tác xã với các giải pháp đồng bộ như nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn...
Nhờ việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho nông dân của hợp tác xã mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa nông dân với người tiêu dùng.
“Mặc dù thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của hợp tác xã vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu của hợp tác xã năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020”, đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ.
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng bằng việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tham gia kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng Blockchain chuyển đổi số, việc kết nối giao thương của hợp tác xã vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, qua đó tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong, thu về khoảng 3 tỷ đồng.