Chỉ những chủ đầu tư tài chính tốt, sản phẩm chất lượng mới có ghế trong sân chơi bất động sản mới
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS), thị trường bất động sản năm 2024 sẽ thanh lọc những chủ đầu tư tài chính kém, thay vào đó là những chủ đầu tư tài chính tốt, sản phẩm tốt với pháp lý hoàn chỉnh... mới có ghế trong “sân chơi" bất động sản mới.
Nói về thị trường bất động sản trong nước, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng năm 2024 được nhận định vẫn khó khăn đối với ngành bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hải việc các bộ Luật sớm có hiệu lực cơ bản sẽ giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý của các dự án. Đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, cùng với đó là các quy định rõ ràng, minh bạch hơn về quy định pháp lý so với trước đây.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, sự hồi phục của thị trường sẽ sớm ổn định và tạo ra môi trường thuận lợi mới cho nhà đầu tư. Những hạn chế, vướng mắc về mặt thể chế sẽ được tháo gỡ thông qua việc ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung ban hành mới nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Trong đó, Luật Nhà ở cùng với Luật đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (cùng có hiệu lực từ 1/1/2025) là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS), cho rằng ba luật mới này được coi là những căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh.
Cụ thể, về Luật Đất đai, theo ông Đình một số điểm mới có thể kể đến như, quy định cụ thể các trường hợp giao đất trực tiếp không qua đấu giá, đấu thầu: làm nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, giao đất ở cho giáo viên, nhân viên y tế công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện khó khăn,...
Quy định giúp thị trường phát triển thuận lợi hơn, giảm thiểu tối đa các khiếu kiện liên quan đến đất đai. Giúp các chủ đầu tư rút ngắn thời gian và chi phí trong quá trình tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển dự án. Bên cạnh đó, quy định các trường hợp còn lại được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu công khai, giúp thị trường phát triển theo hướng công khai và minh bạch, tránh các trường hợp “sân sau”. Từ đó lựa chọn được các chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính và năng lực triển khai, góp phần giúp sử dụng hiệu quả đất đai, đẩy nhanh tiến độ pháp lý của dự án và thúc đẩy nguồn cung cho thị trường.
Đồng thời, tạo cơ hội công bằng, như nhau giữa các chủ đầu tư trong việc tiếp cận đất đai. Những chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính và năng lực triển khai, nếu không có “quan hệ” vẫn có cơ hội tiếp cận đất đai bình thường...
Một điểm mới trong Luật Đất đai 2024 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước. Điều này góp phần làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản, tạo cơ hội tăng giao dịch. Từ đó, thúc đẩy nguồn cung bất động sản và đảm bảo sự bình đẳng, công bằng đối với người dân.
Theo ông Đính, thị trường năm 2024 sẽ thanh lọc những chủ đầu tư tài chính kém, thay vào đó là những chủ đầu tư tài chính tốt, sản phẩm tốt với pháp lý hoàn chỉnh... mới có ghế trong “sân chơi" bất động sản mới. Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các dự án bất động sản mới buộc phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch, thiết kế mới được bán hoặc cho thuê. Với quy mô và nâng cao chất lượng cũng như các tiện ích, hạ tầng ngày càng được nâng cao.
Về Luật Nhà ở, quy định chung cư mini trong Luật Nhà ở 2023 được xem xét cấp sổ hồng nếu đáp ứng đủ điều kiện, tạo cơ hội tiếp cận nhà ở đối với người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu nhà.
Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định không quy định thời hạn sở hữu chung cư, qua đó góp phần thúc đẩy việc phát triển phân khúc này, trước bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, đặc biệt trong trung tâm các thành phố lớn, nơi mật độ dân cư đông đúc.
Đối với phân khúc nhà ở xã hội, Luật cũng quy định bổ sung đối tượng được đầu tư phát triển nhà ở xã hội và cả đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Từ đó giúp thị trường gia tăng nguồn cung nhờ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hợp lý hơn, bổ sung các chính sách ưu đãi thiết thực.
Dự báo thị trường trong thời gian tới, theo ông Đính, các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ là “chất xúc tác” thúc đẩy quá trình phản ứng của các nhóm vấn đề trên thị trường nhằm cho ra những kết quả phục hồi rõ nét hơn.
Bàn về việc khơi thông thị trường bất động sản, ông Trương Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc DKRS, cho rằng cả doanh nghiệp và người dân đều mong muốn sớm khơi thông thủ tục phát triển nhà ở xã hội và tư vấn hồ sơ mua nhà ở xã hội.
Theo ông Tú, thủ tục mua nhà ở xã hội đang rất khó khăn dù nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng để người dân tiếp cận là rất khó. Vẫn còn một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm dẫn đến khâu thủ tục gặp vướng, không được xử lý.
Do đó, cần quy trách nhiệm cụ thể và có những quy định rõ về quy trình và thời hạn phê duyệt hồ sơ để đảm bảo tinh thần là hỗ trợ cho doanh nghiệp và người mua nhà.
"Doanh nghiệp mong muốn rằng Luật Kinh doanh bất động sản mới sẽ hỗ trợ tốt cho câu chuyện cơ chế, chính sách của nhà ở xã hội hay nhà giá rẻ được minh bạch hơn, thông thoáng hơn theo hướng tạo điều kiện cho người dân và cán bộ, công chức có cơ cơ hội sở hữu nhà ở", ông Tú bày tỏ.