Chi 1 USD cho xúc tiến thương mại sẽ thu về 87 USD xuất khẩu và gần 400 USD góp vào GDP
(DNTO) - Các nước như Thái Lan, Trung Quốc đang đầu tư ngân sách khá lớn cho hoạt động xúc tiến thương mại, nhưng tại Việt Nam, việc này còn hạn chế, dù đây là khoản chi mang lại nhiều lợi ích lớn.
Trao đổi tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 tổ chức sáng 3/2, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các lãnh đạo Cục, Vụ của Bộ Công thương đều thừa nhận rằng những khó khăn của kinh tế thế giới sẽ kéo dài sang cả năm 2023 khi tăng trưởng toàn cầu dự báo giảm xuống còn 2,9%, từ mức 3,4% trong năm ngoái.
Với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm ngoái, là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Trong các giải pháp được đưa ra tại Hội nghị, đáng chú ý nhất là giải pháp xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) dẫn chứng nghiên cứu mới đây của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, mỗi 1 USD chi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giúp các quốc gia tăng thêm được 87 USD giá trị xuất khẩu và 384 USD đóng góp vào GDP.
Thế nhưng, hiện đầu tư ngân sách cho xúc tiến thương mại ở Việt Nam còn rất hạn chế, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác và chưa tương xứng với mức tăng trưởng xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2012, kinh phí được cấp cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là 93 tỷ đồng, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 114 tỷ USD. Từ năm 2020 đến nay kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 100%, năm 2020 dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng đạt hơn 282 tỷ USD, năm 2021 đạt hơn 336 tỷ USD, năm 2022 đạt gần 372 tỷ USD. Trong khi đó, kinh phí Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia dù được tăng dần và ở mức 136 tỷ/năm (khoảng 5,7 triệu USD), nhưng mức tăng như vậy còn thấp so với tăng trưởng xuất khẩu.
So sánh với Thái Lan, năm ngoái, nước ngày chi ngân sách cho xúc tiến thương mại khoảng hơn 74 triệu USD; Trung Quốc chi khoảng 15 triệu USD/năm. Hàn Quốc chi khoảng 330 triệu USD cho riêng các hoạt động khảo sát thị trường nước ngoài và các đoàn thương mại. Canada khoảng hơn 94 triệu USD và Italia lên đến gần 185 triệu USD/năm. Như vậy, ngân sách chi cho hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1,2% của Hàn Quốc, 8% của Thái Lan...
“Hạn chế về kinh phí dẫn đến quy mô hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các sự kiện quốc tế rất khiêm tốn và nhỏ bé so với các nước. Điều này đã gây ra không ít khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, ngành hàng, sản phẩm”, ông Phú nhấn mạnh.
Do đó, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài Chính tăng nguồn kinh phí cho Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia và nguồn kinh phí để mở rộng hoạt động của các Thương vụ và Văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Việc này sẽ hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, có chiều sâu, xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam là nước xuất khẩu có uy tín có tầm cỡ tại các sự kiện quốc tế.
Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết trong thời gian tới tăng cường triển khai các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế thông qua việc tổ chức các đoàn giao thương tại nước ngoài, các đoàn doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin về thị trường để có sự chủ động trong hỗ trợ doanh nghiệp.
“Các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được khẩn trương triển khai ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.