Tốc lực tiến quân đến các thị trường ngách
(DNTO) - Nhu cầu hàng hóa sụt giảm ở hầu hết các thị trường đối tác lớn buộc xuất khẩu Việt Nam phải tăng tốc tìm kiếm các thị trường mới để tiếp tục duy trì cán cân xuất siêu trong năm 2022.
Khó khăn “kép” cho xuất khẩu
Mỹ, Trung Quốc và EU hiện vẫn là 3 bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, nhưng con đường để hàng hóa Việt Nam sang thị trường này đang khó dần.
Đó là lý do vì sao, trong 8 tháng đầu năm, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD vẫn tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu so với mức tăng 21,9 % cùng kỳ năm trước, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành, thì con số tăng trưởng năm nay vẫn chưa đuổi kịp.
Bởi lẽ, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do những di chứng tiêu cực từ đại dịch Covid -19, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine vẫn chưa đến hồi kết … trở thành cản lực với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn với các nước vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Cụ thể, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 8 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nước này đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất 4 lần trong năm nay.
Tại EU viễn cảnh cũng tương tự khi tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8 qua. Kinh tế khó khăn buộc người dân thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu với nhiều loại hàng hóa. Còn Trung Quốc, nơi tiếp tục đeo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tiếp tục đan xen những thuận lợi, khó khăn và thách thức, nhưng khó khăn nhiều hơn. Ngoài những tác động từ bên ngoài, bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều tiềm ẩn những bất lợi như việc đồng USD tăng giá tác động đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu, chuỗi cung ứng gián đoạn, giá hàng hóa dịch vụ dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao… khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giảm đơn hàng cuối năm.
Giảm dần sự phụ thuộc vào “ông lớn”
Do vậy, cuối năm ngoái, khi nhận định được tình hình các bạn hàng lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn, trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại 2022, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
“Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Với thị trường Trung Quốc, tập trung chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang sang hình thức chính ngạch bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin.
Để hiện thực hóa mục tiêu đa dạng hóa thị trường. Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức 60 phiên tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương Việt Nam về thịt rường xuất nhập khẩu thế giới; cùng hàng loạt các chương trình giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường đối tác, với sự góp mặt của mạng lưới Thương vụ Việt Nam tại 50 khu vực trên thế giới. Chỉ trong tháng 9, hàng loạt các cuộc làm việc, giao thương giữa Việt Nam với các thị trường “ngách” như Nam Phi, Algeria, Cuba, Iran, Kazakhstan, Mông Cổ… diễn ra.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, dù rất tiềm năng nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chưa nhiều, do vậy dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu còn rất lớn. Đặc biệt, lợi thế khi tiến công sang các thị trường “ngách” là sản phẩm được tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể nên ít sự cạnh tranh từ các đối thủ, khả năng tiếp cận và giữ chân khách hàng cao. Điều này phù hợp với doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ của Việt Nam khi chưa thể đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của các thị trường lớn.
Tuy nhiên, ngay cả những thị trường “ngách”, được xem là dễ tính hơn, thì theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần linh hoạt, chủ động hơn trong việc phối hợp với cơ quan chức năng để tham gia xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo hoạt động tiếp cận thị trường đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, các doanh nghiệp nên mạnh dạn chi tiền cho các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại để tăng "điểm chạm" với đối tác.
Về phía Bộ Công thương, ông Phú cho biết, với vai trò cơ quan xúc tiến thương mại, bên cạnh việc duy trì và phát triển bền vững tại các thị trường xuất nhập khẩu truyền thống; Bộ cũng nỗ lực nghiên cứu các cơ chế, chính sách để đàm phán, mở cửa thêm các thị trường mới, đưa hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến mạnh hơn ra toàn cầu.