Năm 2022, một số ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng, trọng tâm sẽ được thiết kế các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp, nhằm tận dụng tối đa các FTA, giúp hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.

Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, Việt Nam bước vào trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung chống dịch vừa khôi phục và phát triển lại nền kinh tế.

Ngay trong 3 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công thương đã tích cực triển khai đa dạng hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần quan trọng duy trì, khôi phục và mở rộng hoạt đông sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Để tìm hiểu sâu hơn về các hoạt động xúc tiến thương mại đang được triển khai cho các ngành hàng, các doanh nghiệp, Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) về vấn đề này.

Empty

Phóng viên: Thưa ông, sau 2 năm triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trong bối cảnh dịch Covid-19, ông đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Vũ Bá Phú: Qua những hoạt động xúc tiến thương mại thời gian vừa qua cũng giúp nhìn rõ hơn những điểm còn hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch quốc tế, khi môi trường có nhiều thay đổi.

Thực tế này có thể nhìn nhận ở góc độ như mức độ cam kết của doanh nghiệp còn hạn chế, nhận thức chưa thực sự toàn diện hay hạn chế về nguồn lực của chính doanh nghiệp.

Qua rà soát, đánh giá, chúng tôi nhận thấy, muốn tận dụng lợi thế của xúc tiến xuất khẩu trên môi trường số để đa dạng hóa thị trường doanh nghiệp cần xem xét, cân nhắc một số yếu tố cốt lõi sau:

Đầu tiên, lãnh đạo doanh nghiệp cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật xu hướng xúc tiến thương mại trên môi trường số, xác định nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, tiến tới có chiến lược, lộ trình cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng khi chưa biết bắt đầu từ đâu, hay còn tâm lý “ngại thay đổi” vì chưa thực sự hiểu rõ về bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến thương mại thành công.

Thứ hai, hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp hay trên môi trường số cũng cần phải dựa trên chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng đây là một điểm hạn chế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta trong sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu, việc xác định thị trường mục tiêu còn cảm tính và thiếu nghiên cứu bài bản, nắm bắt xu hướng sản phẩm để từ đó có thể chủ động xây dựng năng lực cạnh tranh khi tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, xúc tiến thương mại trên môi trường số đòi hỏi doanh nghiệp phải cải thiện tốc độ, năng lực giao tiếp, có thể hiểu là tổng hợp các yếu tố gồm thành thạo ngoại ngữ, khả năng trao đổi trực tiếp, rõ ràng, hiệu quả trong thời gian ngắn để tạo ấn tượng, “ghi điểm” với khách hàng về sự chuyên nghiệp, tin cậy trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị kỹ website, tài liệu giới thiệu, video, hình ảnh sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, chứng nhận chất lượng, giá cả... cũng cần doanh nghiệp đầu tư thích đáng.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin, phân tích thông tin và nghiên cứu thị trường trên môi trường mạng, từ đó, nâng cao năng lực nhận biết và quản trị rủi ro trong thương mại quốc tế.

10

*  Bước sang năm 2022, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm. Điều này có ý nghĩa gì với việc phục hồi kinh tế đất nước và doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

- Ngay từ đầu năm 2022, các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn.

Đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực của Bộ Công thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt sớm ngay từ đầu năm các thông tin, cơ hội thị trường để có cơ hội và kế hoạch tìm kiếm, hợp tác với các đối tác kinh doanh, phát triển thị trường phù hợp trong năm, qua đó từng bước phục hồi sản xuất và các hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường trên thế giới, tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường xuất khẩu mới.

Số liệu thống kê cho thấy, quý I/2022, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các hoạt động xúc tiến thương mại.

11

* Vậy điểm mới trong công tác tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 so với giai đoạn trước, thưa ông?

- Bộ Công thương ưu tiên các chương trình xúc tiến thương mại trung hạn đối với một số ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại được thiết kế phù hợp với mỗi đối tượng, ngành hàng và thị trường trong từng giai đoạn, đồng bộ với việc tận dụng cơ hội và thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại sẽ gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững, giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể thấy, thời gian qua, xúc tiến thương mại trên môi trường số đã trở thành giải pháp có hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế. Vì vậy trong năm 2022, Bộ Công thương tiếp tục tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tới các địa phương, hiệp hội và cơ quan liên quan.

13

* Cụ thể, Bộ Công thương đã có hoạt động nào hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường?

- Trước mắt, chúng tôi tập trung tăng cường cung cấp thông tin hai chiều về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, các quy định liên quan của các nước trên thế giới đến doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống phân phối, tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Một số các hoạt động điển hình như: Chuỗi trên 60 "Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất - nhập khẩu trên thế giới" và "Chuỗi Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước" với sự tham gia tích cực của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại trên 50 khu vực thị trường tại nước ngoài.

Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ số như các chương trình giao thương trực tuyến xuất khẩu, hội chợ triển lãm trực tuyến, đưa hàng hóa địa phương giao dịch trên các kênh thương mại điện tử uy tín trong nước và nước ngoài, hướng dẫn triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace 247 trên sản phẩm do Cục Xúc tiến thương mại phát triển.

Để thúc đẩy tiêu dùng nông sản nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị, sàn thương mại điện tử, tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế và nhà xuất khẩu thông qua việc tổ chức chuỗi các Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tiêu thụ sản phẩm của các địa phương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Trong bối cảnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp được nối lại bình thường trong năm 2022, Bộ Công thương sẽ tiếp tục duy trì tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp có quy mô lớn như hội chợ triển lãm, giao thương tại thị trường trọng điểm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc EU, Hoa Kỳ... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm, giúp tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Về trung hạn, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, sản xuất bám sát tín hiệu thị trường, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, các yêu cầu về quy cách sản phẩm và thị hiếu của thị trường.

Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho việc duy trì và phát triển bền vững tại các thị trường xuất - nhập khẩu truyền thống đồng thời đàm phán, mở cửa thêm các thị trường mới cho các hàng hóa xuất khẩu tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam.

12

* Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với những khó khăn mới từ xung đột địa chính trị trên thế giới đang ảnh hưởng tới hoạt động thương mại toàn cầu, Bộ Công thương có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp?

 - Xúc tiến thương mại trên môi trường số ngoài việc mang lại nhiều lợi thế về thời gian, chi phí và tương tác thì cũng tiềm ẩn khá nhiều những rủi ro về xác thực thông tin mà những doanh nghiệp ít kinh nghiệm có thể chưa nhận biết được.

Đặc biệt, ngoài việc làm chủ các kỹ năng xúc tiến thương mại trên môi trường số, doanh nghiệp cũng cần linh hoạt vận dụng và phối kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường và tăng năng lực chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động chia sẻ nhu cầu về thông tin thị trường, tích cực phối hợp với tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo hoạt động này sát thực, khả thi, hiệu quả.

Doanh nghiệp cần quyết tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác xúc tiến thương mại, nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.

* Xin cảm ơn ông.

Huyền Trang (thực hiện)