Bức tranh kinh tế thế giới hiện nay
(DNTO) - Nhận biết những điểm mới cùng những xu hướng vận động của kinh tế thế giới chính là tìm ra được những cơ hội và thách thức, thời cơ và nguy cơ, thuận lợi và khó khăn đối với nền kinh tế của đất nước, cả đối với từng ngành nghề, từng doanh nghiệp.
Kinh tế thế giới đang chuyển biến không ngừng, sinh động như một bức tranh huyền ảo màu sắc. Bên cạnh những sắc thái sản xuất theo lối cổ truyền luôn được bảo tồn, củng cố và phát huy thế mạnh đặc thù, các khu vực và các ngành kinh tế mới ngày càng hiện đại đang khẳng định vị thế, vươn tầm cao và lan tỏa mạnh mẽ.
Người ta đang phân loại các ngành kinh tế trên mặt đất và trong lòng đất, trên mặt nước và dưới lòng biển; kinh tế trên khoảng không, kinh tế ngày và kinh tế đêm; kinh tế thực và kinh tế ảo… Tất cả cứ đan xen, hòa quyện và bổ sung cho nhau, lấp lánh sắc màu như bầu trời đầy sao. Trong bức tranh tổng thể đó của kinh tế thế giới, đang nổi lên những gam màu sáng, tối.
Sáng rõ nhất và không thể phai mờ của kinh tế thế giới là một không gian kinh tế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và tùy thuộc lẫn nhau. Thương mại và đầu tư toàn cầu vô cùng nhộn nhịp được thúc đẩy do tác động của các hiệp định thương mại, sáng kiến hợp tác với sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn, lại có sự trợ lực mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Chưa bao giờ như bây giờ, cả thế giới trở thành một thị trường đặc biệt rộng lớn mà ở đó, người mua và kẻ bán chỉ cần kết nối qua mạng là mọi thứ hàng hóa đều đến được những nơi cần đến và việc thành quyết toán được thực hiện một cách thuận lợi, chính xác. Các sản phẩm hàng hóa được tự do lưu thông trên phạm vi toàn cầu, trong một chừng mực nào đó, cả nhà sản xuất và người tiêu thụ đều chung một không gian toàn cầu, đều là công dân toàn cầu.
Định hướng và quan điểm phát triển của các định chế thương mại toàn cầu như WTO, IMF, WB và của nhiều nước cũng đang là những điểm sáng lan tỏa. Đó là các phương thức phát triển từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”, từ kinh tế công nghiệp sang hậu công nghệ, kinh tế tri thức và gần đây, đang hướng tới “kinh tế số”. Vấn đề quan tâm hôm nay là không chỉ tìm ra cách thức mới để sản xuất ra các sản phẩm truyền thống một cách hiệu quả nhất mà còn đòi hỏi sản xuất ra nhiều loại hàng hóa tinh khôn có tính sáng tạo cao phục vụ cho nhu cầu muôn vẻ ngày càng cao của con người. Định hướng chung nhất trong phát triển kinh tế được Liên hợp quốc cũng như tất cả các nước trên thế giới thừa nhận chính là phát triển sáng tạo, nhanh, bền vững và bao trùm. Đó chính là phương thức phát triển tiến bộ, tối ưu nhất, phát triển vì con người, cho con người; phát triển kinh tế gắn với hài hòa xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nhanh nhưng không bỏ lại ai ở đằng sau.
Bên cạnh gam màu sáng đang lan tỏa và là xu hướng phát triển, kinh tế thế giới vẫn ẩn chứa những điểm tối nhạt nhòa. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 không chỉ gây tổn thất mọi mặt đến đời sống xã hội của toàn thế giới, mà còn đẩy nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Điều dễ nhận thấy nhất là tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị ngưng trệ và tụt dốc. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cho rằng GDP thế giới sẽ bị về số âm trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đây. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Kết quả này phần nữa do sự điều chỉnh chính sách của một số nền kinh tế theo trào lưu dân túy và xu hướng bảo hộ. Ở nhiều nước, các trào lưu dân túy cổ vũ cho việc xây dựng nhà nước chuyên chế nên làm tăng thêm các mâu thuẫn nội bộ, đẩy tình trạng bất ổn về kinh tế, xã hội lên cao. Đối với bên ngoài, trào lưu này chống liên kết, hội nhập quốc tế và khu vực, kích thích việc tẩy chay hoặc ly khai khỏi các cơ chế đa phương như Anh rút khỏi EU, Mỹ rút khỏi TPP và rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Điều đó làm giảm sự hợp tác, tăng nguy cơ tranh chấp, xung đột và đưa đến sự ngưng trệ một số hoạt động kinh tế quốc tế.
Cùng với trào lưu dân túy, chủ nghĩa bảo hộ đang lây lan ở một số nước làm cản trở lưu thông thương mại, dịch vụ, đóng cửa thị trường, hạn chế liên kết kinh tế, giảm sự ủng hộ đối với tự do thương mại đa phương, cản trở đầu tư quốc tế, đã và đang tạo ra hệ lụy tiêu cực làm gia tăng mâu thuẫn, bất đồng vốn có về một số vấn đề kinh tế, thương mại, gia tăng xung đột lợi ích dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại gay gắt như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cuộc chiến thương mại Nhật-Hàn. Tình hình đó làm cho các nền kinh tế khu vực và toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế có xu hướng bị chậm lại.
Một điểm tối ảm đạm đang tiềm ẩn chính là sự suy thoái kinh tế chu kỳ. Kinh tế thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã có bước phục hồi, thì lại xuất hiện đại dịch Covid-19 và những chính sách hướng nội khắc nghiệt. Đó là việc các nền kinh tế lớn trên thế giới đang thực hiện thắt chặt tài chính, tiền tệ do rủi ro về tài chính – tiền tệ đang tiếp tục gia tăng. Nợ xấu, nợ công cao tại nhiều nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết và xử lý triệt để. Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế thế giới đã bước vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà qui mô và tác động tiêu cực của nó chưa lường hết được. Ngoài ra, tình trạng bất ổn an ninh gia tăng ở nhiều khu vực và đe dọa toàn thế giới. Đó là diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng… sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của kinh tế thế giới.
Nhận biết những điểm mới cùng những xu hướng vận động của kinh tế thế giới chính là tìm ra được những cơ hội và thách thức, thời cơ và nguy cơ, thuận lợi và khó khăn đối với nền kinh tế của đất nước, cả đối với từng ngành nghề, từng doanh nghiệp. Trên cơ sở “biết người, biết ta”, chúng ta sẽ có những chủ trương và giải pháp đúng đắn để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức đưa nền kinh tế đất nước cũng như từng ngành nghề, từng doanh nghiệp vững bước đi lên trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.