Bộ Công thương cam kết với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không để thiếu điện
(DNTO) - Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và lãnh đạo các bộ ngành cho biết luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến chính sách, thủ tục đầu tư, kinh doanh.
Sẽ cung cấp điện ổn định
Tại Diễn đàn, Hiệp hội khối các doanh nghiệp FDI cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào thu hút đầu tư và sản xuất công nghệ cao nhưng nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng, và nguồn cung cấp điện bền vững, nhiều mục tiêu sẽ khó đạt được.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn mong muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng việc thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ khi ra quyết định đầu tư”, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), cho biết.
Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài mong Chính phủ Việt Nam xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính cho vay các dự án lớn về trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; nới lỏng các điều kiện tham gia Hợp đồng Mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối/điện từ chất thải.
Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 05 liên quan đến vấn đề điều hành, cân đối nguồn cung ứng điện, trong đó chỉ đạo Bộ Công thương nói chung “không để thiếu điện trong mọi tình huống”. Bộ Công thương và các doanh nghiệp ngành điện đang cố gắng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
“Cho đến nay, chúng tôi có thể khẳng định và cam kết việc thiếu điện không xảy ra trong năm 2024 và có thể trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cam kết đảm bảo tính ổn định và chất lượng nguồn điện. Việc đảm bảo không thiếu điện cũng liên quan đến việc phát triển các nguồn điện, bên cạnh đó hệ thống lưới điện cũng phải đồng bộ và phát triển hài hòa nhất. Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao kể cả trong việc phát triển Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối”, lãnh đạo Bộ Công thương nói.
Bộ Công thương hiện đã hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, dự kiến Chính Phủ sẽ thông qua trong tuần này. Bộ Công thương đang nhận nhiệm vụ Chính phủ giao để hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà...Dự kiến thời gian tới sẽ hoàn thiện.
Nhiều chính sách quan trọng sắp được ban hành
Liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, cho biết việc World Bank trả 51,5 triệu USD (1.200 tỷ đồng) để mua tín chỉ carbon từ các chủ rừng ở Bắc Trung Bộ là tín hiệu rất vui, thúc đẩy việc bảo vệ rừng, tăng độ che phủ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự kiến 2025 sẽ xây dựng vận hành thị trường carbon. Đã thống kê gần 2.000 doanh nghiệp trong đối tượng phải kiểm kê carbon và dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới. Hiện có trên 100 doanh nghiệp được cấp tín chỉ carbon, với số lượng thống kê trên 41 triệu tín chỉ, Việt Nam đứng thứ 5 trong số những nước tạo carbon trên thế giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vận hành trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, cổng thông tin quốc gia với nguồn kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Bộ này cho biết đã thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, đặc biệt sắp tới sẽ ban hành định mức tái chế hợp lý, hợp lệ của nhà sản xuất mở rộng. Đã lựa chọn công bố trên 20 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế trong các lĩnh vực về chất thải nguy hại, rác thải nhựa và chất thải thông thường.
“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là việc Việt Nam chính thức đi vào việc phân loại rác tại nguồn và trả chi phí theo khối lượng rác thải. Chúng tôi đang trong quyết tâm cao để biến mục tiêu này đi vào cuộc sống”, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường nói.
Vị này cho biết trong vài ngày nữa sẽ ban hành Nghị định về lấn biển, là nghị định rất quan trọng trong việc hoàn thành dự án của các tập đoàn, tổng công ty FDI có sử dụng cả phần mặt biển và phần đất ven biển.
Trong tháng 4 sẽ trình sửa đổi Nghị định 08 về Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp khoảng trên 50% thủ tục của Bộ cho địa phương. Đặc biệt quy định cận dưới nước thải, khí thải, diện tích đất lúa 2 vụ, rừng, diện tích các khu cần bảo vệ nghiêm ngặt để giảm thiểu các tác động đánh giá môi trường cần thực hiện.
Đặc biệt, Bộ này cho biết khẩn trương hoàn thiện nghị định hướng dẫn hoàn thiện Luật Đất đai để trình Chính phủ xem xét, có thể áp dụng sớm hơn.