Báo chí, truyền thông với các vấn đề toàn cầu
(DNTO) - Không chỉ thực hiện tốt chức năng biểu dương, phê phán, phản biện, báo chí truyền thông còn dẫn dắt dư luận để cộng đồng xã hội cùng vào cuộc và thúc đẩy các giới chức lãnh đạo ở các nước và tổ chức quốc tế có hành động kịp thời để khắc phục hậu quả do các vấn đề toàn cầu gây ra.
Ngày nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều chịu tác động của vấn đề toàn cầu như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, nghèo đói và dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng. Trong những vấn đề gay cấn và là những thách thức to lớn đó, biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái đang là mối đe dọa với toàn thế giới.
Vấn đề cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước cũng đang là vấn đề nổi trội, tác động tới an ninh và phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng vọt dẫn tới việc cạnh tranh các nguồn tài nguyên vốn đã gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Đại dịch Covid-19 đang là vấn đề nghiêm trọng nhất tác động tiêu cực đến toàn thế giới. Đại dịch đã gây thảm họa với hàng trăm triệu người nhiễm và hàng triệu người tử vong trên toàn thế giới. Không chỉ có vậy, đại dịch Covid-19 làm đứt đoạn, ngưng trệ nhiều hoạt động đời sống xã hội, gây ách tắc, khủng hoảng nghiêm trọng đến kinh tế và thương mại toàn cầu, gây thêm thảm cảnh đói nghèo đối với nhiều nước trên thế giới.
Cùng với những vấn đề đe dọa an ninh toàn cầu nêu trên, an ninh biển cũng đang nổi lên trong thời gian tới. An ninh biển không chỉ liên quan đến an toàn các tuyến đường hàng hải mà ngày càng mở rộng ra các khía cạnh khác như an ninh môi trường biển, các nguồn lợi hải sản. Do tác động của việc gia tăng các tranh chấp biển, đảo và các chuyển biến của an ninh phi truyền thống khác, an ninh biển sẽ trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng, chi phối quan hệ giữa các nước trên phạm vi rộng lớn.
Trong một bài phát biểu của mình, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhận xét: “chân trời có vẻ tối đi”. Thế giới đang ở trong thời kỳ có nhiều xáo động. Chủ nghĩa dân tộc nổi lên rất mạnh, chủ nghĩa phân hóa cũng đang phát triển và những tư tưởng cũng như hành vi cường quyền, cực đoan đang trỗi dậy.
Trong khi các cuộc “Cách mạng màu” đã làm tan hoang một số nước tại Trung Đông, Bắc Phi; thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế chưa bao giờ phức tạp như bây giờ. Chủ nghĩa khủng bố vẫn đang duy trì hoạt động tại Iraq, Syria và ở một số nước khác, đã không chỉ gây ra những bất ổn và biến động chính trị, quốc phòng, an ninh tại nhiều nước mà còn lôi cuốn nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vào “chảo lửa” này.
Những vấn đề toàn cầu đang diễn ra trên thế giới đã dẫn tới nhiều hệ lụy to lớn đối với vấn đề an ninh, ổn định và phát triển của nhân loại. Thực tế các vấn đề đó vẫn đã và đang tiềm ẩn những yếu tố có thể dẫn đến biến động phức tạp hơn và phạm vi rộng lớn hơn. Vì vậy, ngăn chặn xung đột, dập tắt những mầm mống gây ra biến động là vấn đề bức thiết đối với các quốc gia và với toàn thế giới trong đó báo chí, truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng.
Nguy hiểm hơn, các tổ chức khủng bố đang mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Âu, châu Á gây mất an ninh, an toàn xã hội. Những vụ tấn công nhằm vào Pháp, Bỉ, Anh, Nga, lan sang một số nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia cho thấy tất cả những điều đó không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, mà sẽ kéo dài, vô cùng phức tạp.
Việc phải tìm cách giải quyết các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh nguồn nước...) buộc tất cả các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ không chỉ bị tiêu tốn về nhân lực, vật lực, tài lực, mà còn phải có cách hiểu mới, cách ứng xử mới trong điều kiện hội nhập quốc tế, trong đó, các quốc gia ngày càng lệ thuộc nhau sâu sắc hơn.
Với lực lượng vô cùng to lớn, hùng hậu lại có đủ loại phương tiện từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội, báo chí truyền thông toàn thế giới và trong phạm vi mỗi nước, mỗi vùng miền đều đồng hành cùng tất cả các sự kiện và thực hiện chức năng cao cả của mình: phản ánh, phản biện, cổ vũ khích lệ, định hướng dư luận và dẫn dắt hành động.
Trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, mọi thông tin của báo chí, truyền thông đều phản ánh một cách kịp thời từng giờ, từng phút, từng giây những biến động trong đời sống xã hội. Từ việc đưa tin, bình luận các cuộc xung đột, phê phán và lên án tội ác của những thế lực đen tối đến những trang tin bài viết chia sẻ nỗi đau, sự mất mát do những thảm họa toàn cầu gây ra. Không chỉ thực hiện tốt chức năng biểu dương, phê phán, phản biện, báo chí truyền thông còn dẫn dắt dư luận để cộng đồng xã hội cùng vào cuộc và thúc đẩy các giới chức lãnh đạo ở các nước và tổ chức quốc tế có hành động kịp thời để khắc phục hậu quả do các vấn đề toàn cầu gây ra.
Tại Việt Nam, thời gian qua chúng ta đã chứng kiến toàn bộ hệ thống báo chí, truyền thông trong nước luôn đồng hành với các sự kiện và thực hiện xuất sắc vai trò của mình đối với xã hội. Báo chí theo sát tình hình diễn biến phức tạp của lũ lụt miền Trung để giúp Chính phủ Trung ương và chính quyền các địa phương có các giải pháp ứng phó kịp thời, khắc phục tốt nhất các hậu quả. Báo chí truyền thông tiên phong trong công cuộc chống đại dịch Covid-19. Ở đâu có các chiến sĩ áo trắng, các chiến sĩ bộ đội, công an trong nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, thì ở đó có các nhà báo quả cảm.
Tất cả đất nước, toàn Đảng, toàn dân vào cuộc chống thiên tai, thảm họa môi trường cũng như phòng chống đại dịch trong đó có tác nhân quan trọng của báo chí, truyền thông. Việt Nam chiến thắng trong việc phòng chống thiên tai, dịch bệnh và báo chí, truyền thông vừa là người đồng hành, là tác nhân, vừa là người chiến thắng.