2021 sẽ là năm ngành ngân hàng 'ngấm đòn' Covid
(DNTO) - Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Khối vận hành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) có cuộc trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Việt Nam về tình hình ngành ngân hàng trong năm qua và các dự báo thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Nga
- Giám đốc Khối vận hành - Giám đốc Văn phòng Quản lý dự án PVCombank.
- Trước đó, bà Nga đảm nhiệm nhiều chức danh quan trọng tại VCB và các Ngân hàng cổ phần: Phó Phòng quản lý rủi ro, Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khu vực, Giám đốc Vùng và Phó Giám đốc Khối…
- Ngoài ra, bà còn tham gia thiết kế chương trình, viết tài liệu và giảng dạy các chuyên môn sâu trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viên Chính sách Phát triển – Bộ KHĐT…
Bà đánh giá thế nào về tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành ngân hàng trong một năm qua?
Năm qua, ngành ngân hàng cũng như bao ngành khác gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn tác động đến ngân hàng chậm hơn so với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng tức thời khi dịch bệnh xảy ra vì không mua bán hàng hóa cũng như xuất nhập khẩu được. Về phía ngân hàng, dù doanh nghiệp khó khăn thì vẫn phải để dòng tiền luân chuyển được. Tôi cho rằng hậu quả của đại dịch đối với ngân hàng không đến trong năm nay mà sẽ là năm tới.
Vì sao bà có đánh giá như vậy?
Như tôi đã nói, nếu như thị trường khó khăn, lợi nhuận doanh nghiệp giảm, nợ xấu phát sinh cao... Trong khi ngân hàng phụ thuộc vào nền kinh tế, nếu nền kinh tế không khởi sắc lên thì ngành ngân hàng trong năm tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Năm nay doanh nghiệp vẫn còn đang xoay sở được, họ vẫn còn những nguồn tích lũy từ những năm trước để trả gốc và lãi ngân hàng. Nhưng nhiều khả năng sang năm tới thì nguồn tích lũy đó cạn kiệt, ngân hàng cũng không có thu nhập nữa, nợ xấu lại phát sinh thêm.
Bao giờ ngân hàng cũng có độ "trễ". Khi nền kinh tế khởi sắc thì doanh nghiệp sẽ khởi sắc trước, còn khi khó khăn, ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Vậy các chương trình giảm lãi suất này đang được triển khai thế nào?
Việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN đều được các ngân hàng áp dụng. Giai đoạn này lãi suất tiền gửi cũng đang giảm. Vì lãi suất đầu vào giảm nên lãi suất đầu ra cũng giảm.
Thêm nữa, nhu cầu hấp thụ vốn của các ngân hàng đang rất thấp. Cho nên việc dư thừa vốn là áp lực cho các ngân hàng giảm lãi suất để đẩy tiền ra.
Vậy việc khách hàng tiếp cận các khoản vay này có dễ dàng hay không?
Khách hàng có tiếp cận được với lãi vay không lại là vấn đề khác. Lãi suất có thể là rẻ hơn, nhưng theo tôi đang tồn tại hai vấn đề. Hiện nay mức tăng trưởng tín dụng đang rất thấp ở hầu hết các ngân hàng, và tôi không đặt kỳ vọng từ nay đến cuối năm mức này sẽ tăng lên.
Thứ nhất, các doanh nghiệp làm ăn khó khăn nên họ không đủ điều kiện để vay ngân hàng nữa, họ không có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu như cho vay để doanh nghiệp duy trì sự tôn tại, ngân hàng rất khó giải ngân khi doanh nghiệp không có đầu ra.
Còn vay để trả nợ cũ, để cứu doanh nghiệp là các khoản cho vay đầy rủi ro mà các ngân hàng không lựa chọn. Điều này đòi hỏi phải có các quỹ hỗ trợ từ Chính phủ.
Ví dụ, một hãng hàng không quốc gia đang lỗ lên đến con số 10.000 tỷ đồng, không ngân hàng cổ phần nào dám cho vay để gánh khoản lỗ đó, trong khi không có doanh thu về để trả nợ ngân hàng, đó là một trường hợp cụ thể.
Thứ hai, các doanh nghiệp lớn đủ điều kiện vay thì nguồn vốn của họ rất dồi dào, nhưng các phương án mở rộng kinh doanh không còn nhiều, nên họ có nhu cầu gửi tiền chứ không vay tiền nữa.
Có nghĩa hiện nay cả khách hàng và ngân hàng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nhau?
Câu chuyện ở đây là đối tượng được vay và đủ điều kiện vay lại không có nhu cầu vay, còn đối tượng muốn vay để cứu doanh nghiệp thì không thể vay được vì không đủ tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện vay, không có phương án cho vay.
Tôi không nghĩ lãi suất cho vay giảm là động lực quan trọng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Cho nên vấn đề này phải giải quyết ở góc độ khác. Phải tạo được nhiều đơn hàng, nhiều giao dịch và công ăn việc làm để các doanh nghiệp có thể xây dựng các phương án kinh doanh hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp quá khó khăn, nên có một gói cứu trợ từ ngân sách nhà nước, còn ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh sẽ khó chấp nhận rủi ro.
Xin bà cho biết tình hình giải quyết các khoản vay lớn hiện nay như thế nào?
Đối với các khoản vay lớn, vấn đề mà ngân hàng lo lắng là nợ xấu tăng cao và giá trị tài sản bị giảm sút do các khoản vay lớn đều phải có tài sản đảm bảo, ví dụ như bất động sản. Nếu cho vay dự án xây dựng thì ngân hàng phải nhận thế chấp cả dự án đó, và khả năng dự án đó không đạt hiệu quả như mong đợi. May mắn là cho đến nay dòng tiền vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng dự báo sang năm có thể sẽ tác động nhiều hơn.
Có thể thấy ngành ngân hàng đã có thể dự báo được tình hình khó khăn sắp tới. Vậy theo bà cần có những biện pháp gì để chủ động giảm thiểu thiệt hại?
Biện pháp khả dĩ nhất mà PVCombank đang triển khai áp dụng là không mở rộng tín dụng trong năm tới, cố gắng thu hồi nợ, giải quyết các khoản nợ xấu, quản lý nợ sau vay tốt để đảm bảo không phát sinh thêm nợ xấu nữa.
Thứ hai, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn ngay từ bây giờ, cơ cấu lại các khoản vay, có thể hỗ trợ kéo dài thời gian trả nợ gốc để khách hàng tập trung trả lãi thôi hoặc giảm bớt lãi để giảm áp lực cho khách hàng.
Thứ ba, bắt buộc phải cắt giảm chi phí, không tuyển nhân viên mới, nâng cao năng suất lao động, giảm bớt chi phí hoạt động đi. Bởi vì xét cho cùng, lợi nhuận doanh nghiệp đến từ việc tăng doanh thu và giảm chi phí. Doanh thu chắc chắn sẽ khó tăng trong năm tới thì bắt buộc phải giảm chi phí để đảm bảo không bị thiệt hại quá nhiều.
Và chuyển đổi số ngân hàng là việc cấp thiết phải làm, nhưng ngành ngân hàng sẽ thận trọng hơn, đầu tư các dự án thật sự hiệu quả và cần thiết cho khách hàng.
Năm tới sẽ không phải là năm ngành ngân hàng đầu tư ồ ạt, vì đầu tư phải bỏ tiền ra và đây không phải là giai đoạn bỏ ra quá nhiều tiền.