Doanh nghiệp Việt phải tăng sức đề kháng để vượt 'bão' Covid-19
(DNTO) - Dịch Covid-19 bùng phát để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đặc biệt, bộ phận doanh nghiệp, lực lượng đóng góp đến hơn 60% GDP là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải tăng sức đề kháng để phát triển bền vững.
Gần 84% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tại Diễn đàn Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19 với chủ đề: “Từ thích ứng tới quản trị bất định”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm đã tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới, để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Hệ lụy trực tiếp nhất là suy giảm tăng trưởng, thậm chí là suy thoái trên diện rộng trong năm 2020.
Là một nền kinh tế mở, Việt Nam không nằm ngoài những tác động này. Bộ phận doanh nghiệp, lực lượng đóng góp đến khoảng hơn 60% GDP là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp lao đao vì đại dịch, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê với hơn 153.000 doanh nghiệp tại 63/63 tỉnh thành trong cả nước cho thấy, có đến gần 84% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nguồn nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp, khó khăn trong tiếp cận vốn vay và ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì chịu tác động từ dịch bệnh càng lớn.
Theo ông Thúy, ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động lớn nhất là các ngành hàng không, du lịch. Trong đó, 100% doanh nghiệp hàng không chịu tác động, tiếp đó là các ngành du lịch, dịch vụ, may mặc, tiêu dùng…
“Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế, tuy nhiên theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, đến nay mới có gần 18% doanh nghiệp nhận được các gói hỗ trợ từ phía Chính phủ. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận hỗ trợ như vậy là quá ít so với yêu cầu đã đặt ra”, ông Thúy nói.
Cũng theo ông Thúy, hiện có hơn 82% doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào của nhà nước, trong đó các nguyên nhân được chỉ ra bao gồm doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện; do quy trình, thủ tục tiếp cận còn khó khăn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không biết về chính sách hỗ trợ của nhà nước…
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
Các chuyên gia cho rằng, khủng hoảng từ dịch bệnh được coi như là phép thử cho khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước. Theo đó, để nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp sau dịch Covid-19, việc cải cách là vô cùng cần thiết.
TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, một trong những yêu cầu đầu tiên đối với phát triển bền vững hậu Covid-19 là phát triển của kinh tế số.
Theo TS. Đạt, công nghệ số có khả năng tạo ra những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và năng suất lao động trong các ngành, trong đó một số ngành có thể tận dụng lợi thế công nghệ số sớm hơn như công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải, logistic, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục…
Tuy nhiên ông Đạt cho rằng, tác động của kinh tế số đối với tăng năng suất được thể hiện rõ ràng và tích cực hơn nếu giải quyết được những rào cản về cơ cấu, thể chế trong việc chuyển đổi số, tạo điều kiện căn bản để thu hút vốn đầu tư cho số hóa cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Do đó, yêu cầu đặt ra sau dịch Covid-19 là phải nâng cao năng lực nội tại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững.
Về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã và đang là phép thử với cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Với những doanh nghiệp có cách thức làm việc bài bản, chuyên nghiệp, đây sẽ là thời điểm để tái cơ cấu các vấn đề về quản trị nội bộ, chiến lược, đưa doanh nghiệp lên nền tảng công nghệ 4.0, thương mại trực tuyến…
Còn theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, dịch Covid-19 là dịp để doanh nghiệp đánh giá lại năng lực phản ứng thị trường của mình cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường khi hoàn cảnh thay đổi, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn liền với dịch bệnh.
Điều đó thể hiện khả năng duy trì được các mối quan hệ, thương lượng với đối tác cũng như khả năng phản ứng trước các kịch bản, gây đứt gãy chuỗi cung ứng không mong muốn, từ đó rút ra những bài học cũng như định hướng và giải pháp mới trong vấn đề đa dạng hóa thị trường, ký kết và thương thảo hợp đồng.
“Dịch bệnh là bối cảnh tạo động lực cũng như gợi mở giải pháp mới cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thích ứng tốt với công nghệ nền tảng, kinh doanh nền tảng số và thích ứng với nhu cầu thị trường để đáp ứng được những yêu cầu đó”, ông Phong nói.