SCG và 180 đối tác cam kết ứng dụng kinh tế tuần hoàn để đưa ra giải pháp cho một tương lai bền vững
(DNTO) - Hôm 10/11, Tập đoàn SCG cùng với 180 đối tác đã tổ chức hội thảo bàn về ứng dụng những nguyên tắc của nền Kinh tế Tuần hoàn để đưa ra giải pháp cho một tương lai bền vững.
Đứng trước những thách thức toàn cầu như sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, vấn nạn rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19, tình trạng nghèo đói, cũng như các vấn đề sức khỏe và suy giảm chất lượng sống gây ra bởi bụi mịn PM 2.5, ngày 10/11 tập đoàn SCG cùng với 180 đối tác đã bàn biện pháp áp dụng những nguyên tắc của nền Kinh tế Tuần hoàn để đưa ra giải pháp cho một tương lai bền vững.
Tại Hội nghị chuyên đề “Nền Kinh tế Tuần hoàn: Hành động vì một tương lai bền vững", có 4 nhóm giải pháp đã được SCG và các đối tác bàn thảo, bao gồm: Khắc phục tình trạng hạn hán bằng hệ thống tuần hoàn nước; Giảm thiểu bụi mịn PM 2.5 bằng nền nông nghiệp 100% không đốt bên cạnh việc hỗ trợ nông dân tiếp cận với máy móc hiện đại để tạo thu nhập ổn định; Đưa vấn đề quản lý chất thải nhựa vào chương trình nghị sự quốc gia; Kêu gọi sự quan tâm của chính phủ để hỗ trợ chương trình Xây dựng Xanh và Sạch.
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG và ông Tanawong Areeratchaku - Chủ tịch Ủy ban Phát triển Bền vững SCG cùng với 180 đối tác đã thông báo về tiến trình ứng dụng mô hình nền Kinh tế Tuần hoàn trong các lĩnh vực khác nhau. Các diễn giả đã chỉ ra trong một năm qua, mạng lưới hợp tác đa lĩnh vực đã phát triển từ 45 lên 180 đối tác, cùng nhau giải quyết các vấn đề trọng điểm và hợp tác dựa trên bốn yếu tố cơ bản nhằm đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ ứng dụng nguyên tắc Kinh tế Tuần hoàn, thông qua 4 giải pháp cơ bản.
Xây dựng hệ thống tuần hoàn nước
Để chuẩn bị cho đợt hạn hán nghiêm trọng trong năm tới, mạng lưới hợp tác sẽ hỗ trợ người nông dân chủ động hơn trong việc áp dụng và điều chỉnh phương pháp canh tác bên cạnh việc ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, sự tham gia của chính phủ trong dự án này là điều cần thiết để hướng dẫn người nông dân và lực lượng lao động mới trở về nhà sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như lan toả ý tưởng ra phạm vi toàn quốc.
Thúc đẩy nền nông nghiệp 100% không đốt từ đây đến năm 2022
Bằng cách áp dụng nguyên tắc Kinh tế Tuần hoàn vào việc chuyển đổi các vật liệu phế thải như rơm rạ, lá mía, cỏ… thành năng lượng thay thế, năng lượng sinh khối, thức ăn chăn nuôi và bao bì từ thực vật. Những nỗ lực này sẽ giúp giảm thiểu bụi mịn PM 2.5 và tạo ra doanh thu lên tới 25 tỷ Baht mỗi năm.
Bên cạnh đó, áp dụng ý tưởng nền kinh tế chia sẻ bằng cách thành lập quỹ máy móc cộng đồng, cho phép người nông dân tiếp cận với các thiết bị nông nghiệp, giúp cải thiện quy trình trồng và thu hoạch cũng như tăng năng suất mà không cần đầu tư hay sở hữu bất kì thiết bị nào.
Đề xuất quản lý chất thải nhựa cấp nhà nước
Các diễn giả cũng nhấn mạnh tất cả các đề xuất phải được chính phủ phê duyệt và được luật hóa. Chẳng hạn, Thái Lan cần thực thi pháp luật về quản lý rác thải một cách nghiêm túc. Chính phủ cần tạo điều kiện và thiết lập các quy chuẩn để thúc đẩy hợp tác. Lộ trình hệ thống quản lý rác thải nhựa cần có khuôn khổ cụ thể và quy trình làm việc rõ ràng. Các cơ quan quản lý cần chủ động giải quyết vấn đề trong xuyên suốt chuỗi giá trị, từ việc sửa đổi cấu trúc thuế cho tới đưa ra các đặc quyền về thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh tái chế và quản lý rác thải.
Thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn trong lĩnh vực xây dựng
Theo đó, chính phủ cần tiên phong trong việc đổi mới ngành Xây dựng thành ngành công nghiệp Xanh và Sạch. Các nhà chức trách cần thiết lập quy trình hướng dẫn thu mua mới cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Bên cạnh đó, nhà nước, doanh nghiệp cũng cần áp dụng công nghệ để quản lý tài nguyên nhằm đạt hiệu quả tối đa và giảm thiểu lãng phí nguyên liệu. Ngoài ra, có thể đưa ra các đặc quyền về thuế nhằm khuyến khích các nhà thầu chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc tái chế trong xây dựng,
Kết thúc hội nghị, SCG cam kết giảm khí thải nhà kính và đưa tập đoàn tiến tới mục tiêu “không phát thải” trong năm 2050 theo Hiệp định Paris nhằm hạn chế gia tăng nhiệt độ dưới mức 1,5 độ C. Hơn nữa, nhận thức được tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và vấn đề rác thải, tập đoàn tự nguyện ứng dụng các nguyên tắc Kinh tế Tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh của mình.