Xúc tiến thương mại theo chuỗi để tạo ‘cú hích’ cho tiêu thụ nông sản
(DNTO) - Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho rằng xúc tiến thương mại theo chuỗi từ phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến phát triển thị trường sẽ giúp nông sản địa phương phát triển bền vững.
Ngành hàng nông sản chưa hết khó khăn
Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và lĩnh vực nông sản nói riêng liên tiếp phải đối mặt khó khăn kép. Đó là dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phải đương đầu với tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ…
Trên thực tế, nửa đầu năm 2020, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ đô đã ghi nhận sự sụt giảm không nhỏ. Tổng kết năm 2020, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,54 tỷ USD, giảm 0,5% so với năm 2019.4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 5,9 tỷ USD, cao hơn mức 5,8 tỷ USD so với cùng kì năm 2020, nhưng thấp hơn mức 6 tỷ USD năm 2019.
Ghi nhận trong gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nỗ lực trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nỗ lực mở rộng thị trường, tránh được tình trạng tập trung vào số ít thị trường truyền thống.
Đồng thời, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế và phổ biến, hướng dẫn các quy định, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, thế nhưng thách thức cho tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Việt Nam còn rất lớn.
Thách thức lớn nhất là việc dịch Covid-19 chưa được kiểm soát ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị sụt giảm. Trong khi đó, năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa theo kịp xu hướng tiêu dùng mới ở các thị trường có dịch như yêu cầu về các sản phẩm nông sản chế biến sâu, giữ được hương vị, thời gian bảo quản lâu, giá cả hợp lý…
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), mặc dù tạo ra nhiều lợi thế về thuế quan trong xuất khẩu hàng nông sản, nhưng cũng đặt ra thách thức về hàng rào kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt như yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng… trong sản phẩm nghiêm ngặt hơn.
Giải pháp đồng bộ 'vực dậy' ngành hàng nông sản
Để nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid- 19 cũng như đảm bảo khả năng tiêu thụ bền vững trong tương lai, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, có kế hoạch thực hiện xúc tiến thương mại theo chuỗi từ phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến phát triển thị trường.
Cụ thể, về phía các địa phương, cần tăng cường đầu tư hơn nữa, nghiên cứu hoàn thiện quy trình và quản lý sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu nông sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đủ điều kiện tiêu thụ, xuất khẩu, có giải pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trong khâu thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nên đầu tư thêm vào việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ các nông sản truyền thống. Cùng với đó, thiết kế bao bì và cách thức đóng gói sản phẩm cần phù hợp với xu hướng, đặc tính người tiêu dùng, đặc điểm của từng kênh phân phối nhằm thu hút các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trực tiếp.
Đặc biệt, doanh nghiệp, hợp tác xã cần xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm và thương hiệu bài bản mang tính lâu dài. Năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cà phê Sơn La và xây dựng chiến lược quảng bá chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê của tỉnh. Vì vậy, các tỉnh có thể tham khảo mô hình này để thực hiện cho những sản phẩm khác.
“Cục Xúc tiến thương mại có thể hỗ trợ doanh nghiệp về thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, giới thiệu các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp trong phát triển thiết kế, xây dựng và phát triển thương hiệu”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Theo ông Vũ Bá Phú, các địa phương cũng nên tính đến việc xây dựng các thương hiệu riêng cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, ví dụ xây dựng các clip quảng bá ngắn gọn, ấn tượng cho từng dòng sản phẩm. Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với hệ thống các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nông sản Việt ra nước ngoài.
Đối với phương thức bán hàng và xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, Cục Xúc tiến thương mại cho biết sẽ tiếp tục đào tạo và tư vấn cho các hộ kinh doanh, các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về kỹ năng mở gian hàng, quản lý, vận hành, triển khai những hoạt động xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm thành công trên sàn thương mại điện tử mà Cục đã kết hợp như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Vỏ sò hay các sàn trên thế giới như Amazon, Alibaba…
“Sắp tới Cục sẽ phối hợp với địa phương hỗ trợ các hợp tác xã, chủ trang trại… đẩy mạnh phân phối qua kênh livestream trên các nền tảng số, nhằm giúp các đầu mối cung ứng hàng nông sản tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với thị trường tiêu dùng theo xu hướng mới”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.