Xuất khẩu Việt Nam trước 'sóng gió' từ chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/10/24/gampt-100057.jpg)
(DNTO) - Giới chuyên gia dự báo, không loại trừ khả năng trong tuần tới hàng Việt cũng sẽ bị Mỹ áp thuế. Việc lường trước rủi ro, chủ động xây dựng "lá chắn thép" để giảm thiểu tác động tiêu cực là rất cần thiết để quỹ đạo xuất khẩu không chệch hướng.
![Mức thuế quan trung bình của Hoa Kỳ và 15 đối tác tương mại hàng đầu. Ảnh: TL.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/08/tq-1849.jpg)
Mức thuế quan trung bình của Hoa Kỳ và 15 đối tác tương mại hàng đầu. Ảnh: TL.
Mới đây ngày 4/2, mức thuế mà Tổng thống Donald Trump chính thức áp dụng với các sản phẩm từ ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ được đánh gia là chưa từng có tiền lệ. Các nhà kinh tế cho biết kế hoạch áp thuế 25% đối với Canada và Mexico và 10% đối với Trung Quốc của ông Trump sẽ làm chậm tăng trưởng toàn cầu và đẩy giá cả tăng cao.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 7/2, ông Trump cảnh báo sắp áp thuế thêm nhiều nước vào đầu tuần tới, một bước đi mạnh mẽ nhằm tái định hình quan hệ thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ. Mặc dù Tổng thống Donald Trump chưa tiết lộ cụ thể các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng các cuộc thảo luận gần đây tại Washington đã đề cập đến mức thuế và rào cản thương mại của Việt Nam.
Trước thông tin này, một số chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ lo ngại. Hiện Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu thuế tăng 10-25%, hàng Việt sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm từ Bangladesh, Ấn Độ, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Riêng ngành dệt may, da giày, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 35 tỷ USD/năm, có thể mất lợi thế lớn trên thị trường này.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành dệt may đã phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu suy giảm từ Mỹ và châu Âu. Nếu mức thuế mới được áp dụng, chi phí xuất khẩu sẽ tăng lên đáng kể. Không chỉ doanh nghiệp nội địa, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng cảnh báo, nếu Mỹ áp thuế cao hơn, các tập đoàn FDI như Samsung, Nike, Foxconn cũng có thể dịch chuyển sản xuất sang quốc gia khác để né thuế, gây áp lực lớn lên thị trường lao động, đẩy hàng triệu công nhân vào tình trạng khó khăn.
Đứng ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump dẫn đến tình trạng thu gom hàng “chạy thuế”, làm cho nhu cầu và giá cước vận chuyển container tăng mạnh. Việt Nam cũng đứng trước thách thức cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics.
"Nếu Hoa Kỳ áp thuế quan mới lên hàng hóa Việt Nam, tác động sẽ rất lớn vì Mỹ chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của ta. Điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động đàm phán để tránh bị xếp vào nhóm nước có chính sách thương mại bất cân xứng", TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập, nhận định.
![Việc kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà cung cấp, thu mua quốc tế có uy tín là rất cần thiết trong lúc này nhằm tạo dựng chuỗi cung ứng an toàn, giảm thiểu rủi ro có thể xảy đến từ “ẩn số” thương chiến. Ảnh: TL.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/08/dn875-1847.jpg)
Việc kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà cung cấp, thu mua quốc tế có uy tín là rất cần thiết trong lúc này nhằm tạo dựng chuỗi cung ứng an toàn, giảm thiểu rủi ro có thể xảy đến từ “ẩn số” thương chiến. Ảnh: TL.
Kịch bản nào cho Việt Nam?
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Tại cuộc họp Chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao các biến động, từ đó đề xuất các giải pháp phản ứng linh hoạt để duy trì tăng trưởng kinh tế và tránh những cú sốc bất ngờ. Bởi lẽ, sự phụ thuộc vào thương mại cũng khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các rủi ro bên ngoài.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi sắp tới nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Bởi, bài học nhãn tiền cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời điểm 2018 - 2019 cho thấy, hành vi giả mạo xuất xứ thường xảy ra đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam như: dệt may, thủy sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép...
“Hơn bao giờ hết, quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước cần được các cơ quan quản lý siết chặt”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, các chuyên gia đề xuất cần đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, ASEAN và tăng cường nội địa hóa sản xuất để nâng cao tự chủ kinh tế. Đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP, sẽ giúp Việt Nam phần nào đảm bảo được lượng hàng hóa thông qua được duy trì ổn định, giảm thiểu ảnh hưởng và biến động thương mại một khi các cuộc chiến thương mại có nguy cơ bùng phát.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đề xuất Việt Nam cần tận dụng công nghệ để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với các biến động. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh số hóa và thương mại điện tử sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu một cách linh hoạt hơn. "Các chương trình kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp uy tín trong nước và quốc tế sẽ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", ông Việt nhận định.
Lưu ý về nguy cơ hàng Việt bị áp thuế nếu thâm hụt thương mại giữa 2 nước quá lớn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giải pháp mềm mại nhất là nên vừa bán hàng vừa hợp tác đầu tư, tăng mua một số mặt hàng máy móc, công nghệ… mà Việt Nam cần nhập khẩu. Việt Nam đang thực hiện hiệu quả chính sách điều hành tỷ giá hối đoái theo hướng giữ ổn định đồng tiền Việt với USD.
"Việc giữ ổn định tỷ giá sẽ giúp các nhà đầu tư thấy an toàn, ổn định, tích cực đầu tư hơn. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất, máy móc, công nghệ hiện đại từ Mỹ sẽ tốt hơn", ông Thịnh đề xuất.
Tựu trung lại, trước “ẩn số” thương chiến với những biến động khó lường. Với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam có đủ tiềm năng để biến thách thức thành cơ hội. Quan trọng là cách chúng ta hành động ngay từ bây giờ, nếu các Doanh nghiệp Việt càng ứng phó nhanh bao nhiêu trong giai đoạn đầy thách thức này trong việc tạo dựng chuỗi cung ứng an toàn, sẽ càng sớm vượt qua những rủi ro bấy nhiêu.
Theo 3 kịch bản của Công ty chứng khoán VnDirect đưa ra, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 vẫn tăng được khoảng 8% khi Mỹ tăng 60% thuế đối với hàng Trung Quốc và thuế phổ quát 10 - 20%. Tăng trưởng có thể cao hơn mức này nếu chỉ áp thuế 60% hàng Trung Quốc. Ngược lại sẽ thấp hơn 8% khi có thêm điều kiện thuế phổ quát và hàng Việt Nam bị áp thêm thuế riêng.