Ngành hàng xuất khẩu chủ lực trước thềm ông Donald Trump nhậm chức
(DNTO) - Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ đều đang tích cực chuẩn bị trước thay đổi chính sách từ chính quyền ông Trump.
Ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025, được cho sẽ có nhiều chính sách thay đổi để bảo vệ nền sản xuất nội địa.
Theo ông Trịnh Văn Hà, chuyên gia độc lập Chuyên gia chiến lược thị trường Exness Investment Bank, có thể trong tương lai, ông Trump sẽ có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Gói giảm thuế này có thể có quy mô đến 0,1% GDP của nước Mỹ.
Để tránh việc bội chi ngân sách, Mỹ sẽ có biện pháp tăng thuế nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa từ các nước như Trung Quốc, Mexico, Canada và có thể cả EU. Để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp nội địa. Ông Trump có thể tiếp tục chính sách khôi phục và phát triển sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ bên ngoài. Điều này có thể khiến hàng hóa vào Mỹ bị kiểm soát gắt gao hơn, cả về chất lượng, số lượng, kim ngạch cho đến nguồn gốc xuất xứ.
Tuy vậy, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Da giầy, Túi sách Việt Nam, ngành hàng có 40% lượng xuất khẩu sang Mỹ, cho biết với ngành da giầy, rất khó để Mỹ thực hiện chiến lược đưa sản xuất về nước.
Bởi lẽ, dù nhà máy sản xuất ở Mỹ có trình độ tự động hóa cao thì với ngành da giầy vẫn là ngành thâm dụng lao động, đa số nhân công ở trình độ trung bình và thấp. Do đó đây khó có thể là mục tiêu chính quyền mới nhắm đến.
Ngoài ra, với một doanh nghiệp Việt Nam, chỉ sau 4-5 năm sản xuất đã có đầu danh mục nguyên phụ liệu trên 100.000 chủng loại khác nhau. Vì vậy Hoa Kỳ khó có thể tạo chuỗi cung ứng trong nước mà vẫn phải nhập khẩu. Và nếu phải nhập khẩu thì việc chuyển chuỗi cung ứng về Hoa Kỳ cũng không có ý nghĩa gì.
“Chúng tôi đã tính một bài toán là sản phẩm da giày Việt Nam cộng với chi phí logistics và thuế (nếu có) thì vẫn thấp hơn nhiều sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ. Với ông Trump là một nhà kinh doanh chắc chắn sẽ không chọn giải pháp này”, ông Kiệt nhận định.
Nhưng không thể phủ nhận những biện pháp thắt chặt nhập khẩu của chính quyền ông Trump cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả tại Mỹ. Bên cạnh đó, với chính sách trong tương lai có thể trục xuất lao động bất hợp pháp và hạn chế đà nhập cảnh của những lao động này, nguồn lao động giá rẻ của nước Mỹ bị thiếu hụt. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí lao động, thúc đẩy tăng lạm phát từ lương, bên cạnh lạm phát từ giá cả hàng hóa đầu vào.
Theo ước tính của Goldman Sachs, với biện pháp tăng thuế nếu chỉ tính với hàng Trung Quốc cũng khiến số tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) tăng thêm 0,3% trong thời gian tới.
Ngoài tác động kinh tế, chính trị, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết hiện nay, tập quán tiêu dùng của các thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ cũng thay đổi. Nếu trước kia, quý 4 hàng năm thường là mùa cao điểm của ngành logistics khi lượng hàng hóa có thể tăng lên đến 2 lần. Nhưng xu hướng này không còn thấy từ sau đại dịch.
“Ví dụ quý 4 năm nay, lượng hàng hóa có tăng nhưng đâu đó không đáng kể, chỉ tăng 20-25% so với thời điểm bình thường. Có lẽ người tiêu dùng ở những thị trường trọng điểm họ cũng từ bỏ thói quen mua sắm mới mỗi mùa giáng sinh về”, ông Thành nhận định.
Ngược lại, một số biện pháp được dự đoán có thể kìm chế lạm phát như Mỹ có thể khuyến khích sản xuất lại dầu khí, xuất khẩu năng lượng LNG trở lại hay rút khỏi các cam kết khí hậu. Cùng với việc Mỹ sẽ rút viện trợ cho các cuộc chiến hiện tại có thể làm giảm bất ổn địa chính trị. Các biện pháp này dự báo sẽ khiến giá dầu trong tương lai có áp lực giảm nhiều hơn.
Việc Mỹ tăng áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc khiến nền sản xuất của thị trường tỷ dân yếu đi. Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhưng vẫn còn rất gian nan. Điều này tác động đến nhu cầu của giá dầu, có thể làm giảm áp lực lạm phát liên quan đến chi phí năng lượng.
Ông Nguyễn Hoài Bảo- Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết Mỹ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, giá trị xuất khẩu 9 tỷ USD, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Hiện ngành chế biến gỗ đang xuất khẩu qua các kênh truyền thống, nhà mua hàng, nhà bán lẻ. Tuy nhiên, HAWA cũng đang phối hợp với một số đơn vị thương mại điện tử tại Mỹ như Wayfair, Amazon để giúp doanh nghiệp gỗ có thể tiến tới bán hàng trực tiếp thông qua nền tảng này.
“Tôi nghĩ thương mại điện tử là cơ hội xuất khẩu mới cho ngành gỗ vì việc này giúp doanh nghiệp chủ động thiết kế mẫu mã, đơn hàng của mình”.