Xây dựng hệ thống an ninh lương thực bền vững: 'Bệ phóng' phát triển kinh tế
(DNTO) - Ngày 23/4,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã tham dự Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng APEC về an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hội nghị có sự góp mặt và tham gia ý kiến thảo luận của 9 quốc gia trên thế giới.
"Bóng tối" Covid-19 làm u ám tình hình an ninh lương thực
An ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: An ninh lương thực quốc gia phải gắn với việc cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, mà còn bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.
Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Hiện nay, an ninh lương thực dưới tác động của Covid-19 là chủ đề đang được thế giới và khu vực quan tâm, đặc biệt là khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
"Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tác động của Covid-19. Tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến ngành nông nghiệp Việt Nam là làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp, ảnh hưởng đến hầu hết các nhóm hộ nông thôn, nhất là trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội. Nguồn vật tư nông nghiệp nhập khẩu khó khăn, nguồn thay thế trong nước không đủ đáp ứng. Giá vận chuyển đường biển tăng vọt" - thứ trưởng nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, ngành nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định. Cụ thể, ngành nông nghiệp đã hoàn thành 4 chỉ tiêu lớn quan trọng, đó là tăng trưởng GDP đạt trên 2,65%, xuất khẩu đạt kỷ lục trên 41 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 62%.
"Ngành nông nghiệp Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Cần đẩy mạnh chuỗi cung ứng, khơi thông thị trường
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc đảm bảo sản xuất tiến hành bình thường, việc không làm gián đoạn chuỗi cung, khơi thông thị trường là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu.
"Bộ NN&PTNT đã chủ động tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành nỗ lực đàm phán, phát triển thị trường tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường chính ngạch khi bị đình trệ, ách tắc do đại dịch Covid-19. Đối với thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực đẩy mạnh kết nối nông dân, hợp tác xã với các địa điểm phân phối trực tiếp" - ông Tiến nêu rõ.
Về trung và dài hạn, ngành nông nghiệp Việt Nam cơ cấu lại theo hướng sản xuất cung ứng bền vững, xanh, chất lượng, công nghệ số, đổi mới tổ chức sản xuất. Phát triển chuỗi giá trị nông sản thông minh nhằm nâng cao hiệu quả, giảm lao động trực tiếp. Ưu tiên đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng nông sản, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng toàn cầu. Áp dụng số hóa mạnh mẽ trong hệ thống quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp.
Ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân. Đặt ra mục tiêu chung là bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam.
"Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch Covid-19, đây chính là điều kiện căn bản để góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo cuộc sống cho gần 100 triệu dân và hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia khác" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Việt Nam cam kết cùng chung tay vì một hệ thống an ninh lương thực tốt hơn, bền vững hơn, an toàn hơn cho quốc gia, khu vực và thế giới; chung tay hành động để xây dựng hệ thống thực phẩm nông nghiệp nhằm giúp con người khỏe mạnh hơn và nền kinh tế vững mạnh hơn.