Kinh doanh có trách nhiệm là 'bàn đạp' thúc đẩy phát triển bền vững
(DNTO) - Phát triển bền vững đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng có ảnh hưởng tới Việt Nam. Theo đó, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm đang ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới cũng như sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ số đánh giá môi trường bản địa của Việt Nam rất thấp, xếp hạng 141/180 quốc gia
Tại hội thảo về vấn đề "kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam" Chương trình phát triển của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức chiều 22/4, đại diện cơ quan này cho biết những tác động ngoài mong muốn Việt Nam phải gánh chịu trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế nhanh đã thực sự trở thành mối lo ngại của cả quốc gia, khi chỉ số đánh giá môi trường bản địa của Việt Nam rất thấp, chỉ đạt thứ hạng 141/180, theo Liên Hợp Quốc.
Điều này cho thấy tình trạng vi phạm môi trường ở Việt Nam đáng báo động. Ngoài ra, những đánh giá cũng cho thấy các nhóm yếu thế như lao động nữ, người khuyết tật… cũng dễ bị gạt ra ngoài xã hội. Đây cũng là thực tế mà Việt Nam cần cải thiện và khắc phục nhiều trong thời gian tới.
Nghiên cứu cho thấy mức độ nhận thức của các doanh nghiệp về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) vẫn còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Chưa đến một nửa số doanh nghiệp nhỏ trong nước được hỏi có hiểu biết đầy đủ về RBP, trong khi 81% doanh nghiệp Nhà nước (SOE) hiểu đầy đủ về khái niệm và ý nghĩa của kinh doanh dó trách nhiệm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 84-90% người được hỏi tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về các vấn đề lao động (ví dụ như bảo hiểm; các kế hoạch thưởng và phúc lợi; an toàn và sức khỏe). Tỷ lệ tương ứng đối với bảo vệ môi trường là 50-73%. Dưới 68% người được hỏi tuân thủ đầy đủ các quy tắc quản lý kinh doanh, như đấu thầu rộng rãi và mua hàng và bảo vệ người tiêu dùng.
Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy điển tại Việt Nam cho rằng, hiện nay dòng vốn đầu tư mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ mang đến cơ hội, mà cũng như các nước đang phát triển khác, còn đem đến các tác động ngoài mong muốn như suy thoái môi trường và vi phạm quyền con người trong doanh nghiệp. Những tác động này kết hợp với đại dịch Covid‐19 làm gia tăng những tổn thương mang tính hệ thống cho nền kinh tế Việt Nam khiến nhu cầu phục hồi mạnh mẽ và vững chắc trở nên cấp bách, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động có trách nhiệm tôn trọng quyền con người, hành động vì khí hậu và đảm bảo môi trường bền vững.
"Kinh doanh có trách nhiệm đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng có ảnh hưởng tới Việt Nam. Việc thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm đang ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới với việc phê chuẩn và thực hiện hai hiệp định tự do thương mại gần đây, sự trải rộng và phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những thách thức mà xã hội phải đối mặt với phát triển bền vững", bà Mawe nhận định.
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững
Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu UNDP cho rằng: Xu hướng các nước trên thế giới đang tẩy chay những sản phẩm được thực hiện bằng quá trình sản xuất gây hại tới môi trường hoặc vi phạm quyền con người đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Những hậu quả đó lại kết hợp với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 làm gia tăng những tổn thương mang tính hệ thống cho nền kinh tế.
"Kinh doanh có trách niệm trước tiên là phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì thế sẽ đảm bảo doanh nghiệp (DN) làm tròn các nghĩa vụ của mình về mặt tài chính, thuế đối với nhà nước, sẽ đóng góp tích cực vào ngân sách của quốc gia", ông Tuấn nói.
Kinh doanh có trách nhiệm vì thế đang là xu hướng tất yếu, ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến tất cả các quốc gia trên thế giới khi tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động có trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh kết hợp với tôn trọng quyền con người, hành động vì khí hậu và đảm bảo môi trường bền vững.
Theo bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, để giải quyết sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm, dự án cần thành lập những “khu công nghiệp sạch”. Mà ở đó, hệ thống cơ sở hạ tầng chung để xử lý các vấn đề như nước thải, năng lượng sạch... chi phí sẽ phân bổ hợp lý cho tất cả các doanh nghiệp lớn, nhỏ và nhà nước hỗ trợ.