Tỷ lệ đói nghèo của Argentina tăng đột biến sau 6 tháng 'trị liệu sốc' của Tổng thống Milei
(DNTO) - Để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, Argentina đang phải gồng mình gánh chịu thời kỳ vô cùng khó khăn, một phần không thể tránh khỏi bởi các chính sách cứu vãn của chính quyền Tổng thống Javier Milei.
Không khủng hoảng kinh tế nào trên thế giới trầm trọng hơn tình hình tại Argentina hiện nay. Quốc gia này đang phải đối mặt với một thảm họa kinh tế không thể tránh khỏi. Để thoát khỏi vũng lầy đáng sợ này, chính quyền của Tổng thống Javier Milei đang phải sử dụng một phương thức “trị liệu sốc”.
Tuy nhiên, phương thức này sẽ làm tình hình kinh tế của người dân Argentina trở nên tệ hơn nữa - một vấn nạn mà chính quyền của Javier Milei nói họ phải chấp nhận để vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Một bản báo cáo mới vừa được tung ra cho thấy tỷ lệ nghèo đói tại Argentina đã tăng vọt lên 52,9% trong nửa đầu năm 2024, một mức gia tăng dữ dội từ con số 41,7% trong vòng sáu tháng trước. Thống kê đáng lo ngại này đánh dấu kỷ lục tỷ lệ nghèo đói cao nhất kể từ năm 2003, một thời kỳ cũng đầy biến động kinh tế.
Báo cáo từ cơ quan thống kê quốc gia Argentina cho thấy, đã có thêm 5,2 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói dưới ảnh hưởng “trị liệu sốc” của Tổng thống Javier Milei.
Người phát ngôn chính phủ Manuel Adorni biện hộ họ đã phải thừa hưởng “một kịch bản thảm khốc” từ chính quyền tiền nhiệm: “Họ đã để lại cho chúng tôi một quốc gia trên bờ vực với gần như tất cả công dân đều nghèo khổ.”
Lạm phát ở Argentina hiện ở mức hơn 230% hàng năm, thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới.
Không giống như các chính phủ theo chủ nghĩa dân túy trước kia luôn tìm cách duy trì mức chi tiêu của người tiêu dùng ở mức cao, nhưng lại trả cái giá thâm hụt ngân sách lớn, chính phủ Argentina dưới quyền Tổng thống Javier Milei đã chấp nhận đi theo một con đường cực kỳ đau đớn, với hy vọng cho sự hồi phục kỳ diệu.
Theo kịch bản của “trị liệu sốc” này, chính quyền của Javier Milei đã thực hiện một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng, trong đó có cắt giảm mạnh tay đối với các chương trình xã hội, đóng băng lương hưu và dừng các dự án xây dựng công cộng, đẩy nhiều công dân vào tình trạng khốn cùng. Họ cũng đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả, cắt giảm trợ cấp về năng lượng và vận tải, đẩy tỷ giá đồng peso xuống tới 54% trong tháng 12 sau khi Javier Milei nhậm chức.
Các biện pháp của Milei đã giúp giảm tỷ lệ lạm phát hàng năm từ mức cao kinh dị gần 300% vào tháng Tư. Đề xuất ngân sách của chính phủ với mong đợi lạm phát hàng năm sẽ giảm xuống 122,9% vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, ngay hiện tại, cuộc sống của các cư dân Argentina phũ phàng hơn hy vọng đó. Trong số những người bị ảnh hưởng có Rocío Costa, 32 tuổi, người cho biết giá cả tăng nhanh đã làm giảm thu nhập ít ỏi chỉ hơn 400 USD/tháng của gia đình cô, đến mức cô không còn khả năng để mua tã cho con.
Kinh tế Argentina đã co thắt 3% trong năm nay, khiến thị trường lao động “chảy máu” hàng trăm ngàn việc làm. Leonardo Constantino, 48 tuổi, nói: “Tôi là một phần của tầng lớp trung lưu đã mất đi của Argentina.” Trước khi mất việc sáu năm trước, anh ấy có mức lương đều đặn khi làm việc trong các nhà hàng nhưng nay tìm việc làm vô cùng khó. Anh chỉ có thể chấp nhận một công việc bảo vệ với mức lương chỉ $155 mỗi tháng.
Trong nhiều thập kỷ, những người lao động Argentina có mức lương thấp đã dựa vào trợ cấp chính phủ để giảm chi phí tiện ích, thực phẩm và vận chuyển. Trong thời gian gần đây, hóa đơn dịch vụ tiện ích đã tăng hơn 200% cho nhiều người.
Thế nhưng vẫn có nhiều cư dân còn kiên nhẫn. Débora Galluccio, một chuyên gia pháp lý 48 tuổi, người đã mất việc tại Quốc hội trong chính quyền trước đó, phải chuyển từ việc ăn uống ở nhà hàng sang bếp ăn từ thiện trong vòng chưa đầy một năm, nói: “Thật khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng hết sức có thể.”
Cũng như nhiều người Argentina, Galluccio có vẻ chấp nhận họ sẽ phải đi qua thời kỳ đau khổ không thể tránh khỏi. “Trong chỉ tám tháng, ông ta (Tổng thống Milei) không thể sửa đống vấn đề mà chính quyền trước tạo ra trong 20 năm” - bà nói.