TS. Lê Đăng Doanh: Lạm phát là cái giá phải trả để phục hồi kinh tế
(DNTO) - Chi phí nguyên liệu thô nhập khẩu tăng đã đẩy giá tăng cao và đe dọa gây tăng lạm phát trong thời điểm phục hồi kinh tế.
Giá ngô và đậu tương đã tăng 50-60% kể từ đầu năm nay dẫn đến đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao. Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, có tới 70-80% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu.
Trong khi đó phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng giá lên đỉnh mới. Ngoài ra giá các nguyên liệu công nghiệp như thép và xi-măng đã tăng giá 50% trong năm nay, khiến rất nhiều nhà thầu gặp khó khăn do không thể yêu cầu tăng thêm giá theo hợp đồng.
“Giá nguyên liệu thô tăng cao là không tránh khỏi khi Việt Nam và các quốc gia khác đang có mục tiêu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19”, nhà kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết. “Lạm phát là cái giá phải trả để phục hồi kinh tế”.
“Ngoài ra Việt Nam đang mở cửa mạnh mẽ sẽ khiến Việt Nam nhạy cảm hơn đối với giá nguyên liệu toàn cầu”, ông Doanh phân tích.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều nhà cung ứng linh kiện xe đạp đã phải chịu chi phí cao hơn do bên mua không chịu trả thêm chi phí.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam: "Giá thép tăng toàn cầu không thể dừng lại ngay cả khi chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng để kiểm soát”.
Theo các chuyên gia, mục tiêu giữ lạm phát ở dưới mức 4% trong năm nay sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Thời báo Tài chính Việt Nam dẫn lời nhà kinh tế Chu Thanh Tuấn nói, lạm phát sẽ tăng cao hơn trong nửa cuối năm nay do đã có dự báo về giá dầu thô toàn cầu tăng nhanh.