Lạm phát 5 tháng đầu năm 2021 thấp nhất trong 5 năm
(DNTO) - Cho dù giá vật liệu xây dựng và dầu thô tăng, chỉ số CPI năm tháng đầu năm nay ở mức thấp nhất trong 5 năm cho thấy sự thành công của việc kiểm soát lạm phát.
Theo ông Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, mặc dù sự phục hồi sản xuất đã khiến giá một số nguyên vật liệu tăng trên thị trường, tuy nhiên chính phủ có thể giữ được mức lạm phát 4% trong năm nay.
“Nhu cầu yếu ở trong nước và ở thị trường toàn cầu vẫn còn đó. Trong 5 tháng đầu năm, giá có tăng tuy nhiên không quá mạnh. Covid-19 đã khiến mọi người thắt chặt chi tiêu”, ông nói.
Theo Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay chỉ số CPI trung bình tăng 1,29% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 2016.
Việt Nam hiện dùng giá của 11 nhóm hàng để đo tỉ lệ lạm phát. Mức tăng giá trung bình của 11 nhóm này là hơn 1% so với cùng kỳ. Đặc biệt có mảng nguyên liệu và nhà ở tăng 4,42%, trong đó giá thép tăng mạnh nhất.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, do giá nguyên liệu đầu vào tăng trên thị trường toàn cầu, giá các sản phẩm thép nội địa cũng tăng mạnh. Trong tháng 5, giá thép trung bình vào khoảng 14.000 đồng/kg, tăng 30% so với tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra giá dầu thô thế giới cũng tăng mạnh. Cuối tuần trước giá dầu đã tăng hơn 3% với kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu toàn cầu và tiến trình tiêm vaccine Covid-19 khả quan. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu thô toàn cầu sẽ tăng lên 80 USD/thùng vào cuối năm nay.
Kể từ đầu năm tới nay, số doanh nghiệp ngừng hoạt động ở mức 59.800, tăng 23% so với 5 tháng đầu năm 2020. Điều này cũng làm giá nhu cầu về hàng hóa trên thị trường.
Các nhà phân tích thuộc FocusEconomics cho biết, sức ép tăng giá tại Việt Nam sẽ giảm hơn so với năm 2020 và dự báo lạm phát năm nay tại Việt Nam sẽ dưới mức 4% mục tiêu của chính phủ.