TS. Cấn Văn Lực: Đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh tương đối tích cực
(DNTO) - Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh tương đối tích cực, nhưng nhà đầu tư phải xác định được khẩu vị rủi ro, có chiến lược phù hợp, tiếp cận đa dạng hóa hay đòn bẩy tài chính hợp lý hơn...
Phát biểu tại Toạ đàm “Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán”, diễn ra chiều 29/6, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, về tình hình thế giới, bức tranh phục hồi năm 2021 rất tốt, tuy nhiên năm nay đã khó khăn hơn nhiều và tiếp tục không đồng đều.
Trong khi đó, Việt Nam có vẻ như đã lỡ nhịp trong năm ngoái khi tăng trưởng của thế giới ở mức 5,7%, còn Việt Nam lại ở mức thấp nhất chỉ đạt 2,58%. Tuy nhiên năm nay, kỳ vọng Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn so với các nước trong khu vực. Riêng về lạm phát thời gian gần đây, chủ yếu là do giá cả và đứt gãy chuỗi cung ứng, kết hợp với tình hình chiến sự khiến cho giá cả nhất là xăng dầu tăng mạnh.
Theo dự báo mới đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), giá xăng dầu tăng bình quân khoảng 55%, thấp hơn một chút so với mức tăng của năm ngoái là 67%, kéo theo giá cả hàng hóa khác cũng tăng ở mức tương đối. Do đó, các nước đã phải đưa ra một loạt chính sách thay đổi, nhất là tăng lãi suất ở nhiều nước khác nhau.
“Như vậy, thế giới có thuận lợi là kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và đã phục hồi, nhưng vẫn còn 5 thách thức lớn bao gồm: Một là, đại dịch vẫn còn phức tạp trong bối cảnh những biến thể mới tiếp tục xuất hiện và Trung còn theo đuổi chiến lược Zero COVID. Hai là, vấn đề địa chính trị có nhiều biến động. Ba là, Trung Quốc năm nay đang tăng trưởng chậm lại, dự báo 4-4,5%, tác động rất lớn đến lực cầu, thương mại, đầu tư, tiêu dùng và cả du lịch trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bốn là, các nước đang trong lộ trình tăng lãi suất rất rõ nét trong những tháng vừa qua và tiếp tục trong thời gian tới. Năm là, lợi nhuận biên của doanh nghiệp đang bị thu hẹp, bởi chi phí đầu vào tăng nhanh trong khi giá đầu ra tăng không tương ứng”, TS. Cấn Văn Lực nêu.
Sáng ngày 29/6, sau khi Tổng cục Thống kê có công bố sơ bộ cho thấy, về cơ bản kinh tế của Việt Nam nửa đầu năm nay đang phục hồi rất tốt, GDP tăng 6,42% trong 6 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2019.
TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra động lực tăng trưởng của Việt Nam cả về phía cung về phía cầu được thể hiện rõ nét, trong đó phía cung có hai trụ cột là công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ, cụ thể là du lịch trong nước đã phục hồi nhanh cùng với lưu trú, ăn uống, bán lẻ đã quay trở lại mức gần bằng trước dịch. Ở phía cầu, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, đầu tư và tiêu dùng phục hồi khá hơn.
Đặc biệt, Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 và đầu tư công được đẩy mạnh, cùng những chương trình liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập cũng có những động thái mới. Vừa qua, RCEP bắt đầu có hiệu lực mà Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi tương đối tốt.
Một yếu tố tích cực nữa là tỷ giá của Việt Nam vẫn ở mức độ ổn định hơn so với giá trị danh nghĩa của nhiều loại tiền tệ khác từ đầu năm đến nay. Có nhiều nước, đồng nội tệ đã mất giá danh nghĩa từ 3-8%, thậm chí là trên 10% và năm nay, dự báo tỷ giá có thể sẽ tăng ở mức khoảng 2- 2,3% hoặc cao hơn một chút ở mức 2,5%.
Tình hình doanh nghiệp phục hồi cũng rất rõ nét, lượng doanh nghiệp thành lập mới và những doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng rất mạnh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng ở mức trên 40% để thấy rằng, một số lĩnh vực ngành nghề vẫn còn rất khó khăn.
Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%
“Một điểm băn khoăn lớn hiện nay là thị trường chứng khoán đã, đang điều chỉnh và giảm điểm tương đối mạnh từ đầu năm, trong đó chỉ số VN-Index giảm khoảng 20% còn chỉ số HNX giảm khoảng 40%. Giá cổ phiếu của một số ngành phục hồi còn chậm, giá cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thậm chí đã giảm trong những tháng đầu năm, cho thấy mức độ băn khoăn của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này ngày càng lớn. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và việc lành mạnh hóa thì thị trường sẽ tốt lên.
Bên cạnh đó, các tác động của thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là chiến tranh Nga - Ukraine và chính sách tài khóa tiền tệ của các nước khi thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng và tăng lãi suất. Điều này tác động tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và chứng khoán, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn. Đặc biệt, hành vi của nhà đầu tư cũng thay đổi khi bắt đầu tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn, thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm, về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, trong khó khăn thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được UBCKNN bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua các thách thức cần lưu tâm trên thị trường, như các rủi ro từ bên ngoài, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán hay câu chuyện cho vay ký quỹ, cùng các chính sách lành mạnh hóa của cơ quan quản lý....
“Chúng tôi tổng kết lại và gọi đó là hiện tượng 4D gồm: Điều chỉnh của thị trường, Đầu cơ tương đối nhiều, Đòn bẩy tài chính cao; Tâm lý đám đông. 4D này khá khớp với hiện tượng đang quan sát được tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về triển vọng các kênh đầu tư dài hạn, theo nghiên cứu của Dragon Capital, đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh tương đối tích cực, sau đó đến bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng và đô la Mỹ.
Song, điều đó cũng phụ thuộc nhiều vào khẩu vị của nhà đầu tư. Chúng tôi muốn khuyến nghị rằng, vẫn còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trên thị trường, nhưng nhà đầu tư phải xác định được khẩu vị rủi ro để có chiến lược phù hợp, đồng thời tiếp cận theo hướng đa dạng hóa hơn, đòn bẩy tài chính hợp lý hơn, hạn chế tâm lý đám đông và tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm...”, ông Lực khuyến nghị.