TS. Cấn Văn Lực: Cần phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội do Chính phủ 'cầm trịch'
(DNTO) - Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay nhà ở xã hội vừa được các ngân hàng chính thức triển khai. Song, để người thu nhập thấp đến gần hơn với ước mơ có nhà, lãi suất cần "mềm" hơn, về lâu dài phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội để nhanh chóng “cởi trói” cho không gian này.
Vẫn không dễ mua nhà giá rẻ
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê ngày 6/4, tình trạng một số doanh nghiệp thủy sản, chế biến gỗ, dệt may, da giày... bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc trong quý IV/2022, sang quý I/2023, con số này không những giảm đi mà còn tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc.
Vì vậy, mới đây, dù rất vui khi Chính phủ ban hành đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", trong đó có chương trình cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, nhưng thực tế để mua được nhà vẫn là giấc mơ khó thành hiện thực của nhiều gia đình.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành - đơn vị có thâm niên xây dựng nhà ở xã hội, cho biết hiện quy định diện tích căn hộ cho phân khúc này từ 25 - 70 m2. Với giá thành xây dựng khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2 thì một căn hộ 45 m2 ở TP.HCM sẽ có giá bán hơn 1 tỉ đồng trở lên, tùy theo vị trí, địa điểm. Với căn hộ lớn 70 m2 thì người mua phải có số tiền lên gần 2 tỉ đồng.
"Với lãi suất trên 8%/năm thì không công nhân, người thu nhập thấp nào dám vay tiền mua nhà. Họ chỉ có thể vay nếu lãi suất khoảng 5%, không thì cả đời đi thuê. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải lên tiếng mạnh hơn để đưa ra gói tín dụng như gói vay 4,8% cho công nhân", ông Thành thẳng thắn.
Chưa kể, với quy định áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi 5 năm và lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, có thể dẫn đến rủi ro cho người vay mua nhà ở xã hội theo gói 120.000 tỷ này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) phân tích, người mua nhà ở xã hội sẽ là bên yếu thế khi phải thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng thương mại. Đồng thời, mốc 5 năm là ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
Đã đến lúc phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội
Để công nhân đến gần hơn với ước mơ có nhà, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần có hỗ trợ từ ngân sách. "Ngân hàng Nhà nước nên báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với 40.000 tỉ đồng từ ngân sách sang chương trình cho vay mua nhà ở xã hội. Thực tế, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm hơn một năm qua đến nay vẫn chưa đạt 1% tổng nguồn lực, trong khi chỉ còn 8 tháng nữa là chấm dứt triển khai gói này", ông Hiếu nói.
Về cách thức triển khai, theo ông Hiếu, phải "dập khuôn" như gói tín dụng ưu đãi nhà ở 30.000 tỉ đồng cho vay từ năm 2013-2017. Theo đó, lãi suất cho vay phải cố định trong thời gian 15 năm với mức khoảng 6%/năm. Trường hợp người vay trả trước nợ sẽ không bị phạt.
"Để triển khai được như vậy, ngân sách sẽ hỗ trợ 3%/năm cho các ngân hàng thương mại khi cho khách hàng vay mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư xây dựng sản phẩm này", ông Hiếu gợi ý.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng cần có cơ chế thiết thực hơn theo hướng ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo lãi suất thương mại nhưng Nhà nước đứng ra cấp bù lãi suất mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
"Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội quyết định gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỉ đồng theo cơ chế "tái cấp vốn, cấp bù lãi suất" để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm", ông Đính đề nghị.
Ở góc độ ngân hàng, tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới" diễn ra ngày 7/4, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng, gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại, có lãi suất ưu đãi hơn một chút so với lãi suất trên thị trường. Ông Lực cho hay, có nhiều băn khoăn cho rằng tại sao lãi suất cho vay không được thấp hơn, thời gian ưu đãi không dài hơn,… nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, việc giảm lãi suất 1,5 - 2% đã là thiện chí.
"Về lâu dài cần phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội và việc này phải do Chính phủ “cầm trịch” chứ không phải là các ngân hàng cho vay nay gói này mai gói khác rồi có thể dừng lại vào một lúc nào đó. Điều này không bền vững cho việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.