TP.HCM tiến tới mục tiêu tăng giá trị mua sắm trực tuyến của người dân
(DNTO) - Theo báo cáo đề xuất của Sở Công thương TP.HCM về việc triển khai thực hiện đề án phát triển ngành thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đến 2025, định hướng đến 2030, mục tiêu của thành phố là tăng giá trị và tỉ lệ kết nối giao dịch của ngành thương mại điện tử.
Theo ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương), thương mại điện tử đang phát triển quá nhanh, lan tỏa khắp các lĩnh vực phân phối hàng hóa. Sự phát triển quá nhanh này cũng đặt ra nhiều vấn đề mới như chống thất thu thuế hay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Giải quyết được các vấn đề tồn đọng, thương mại điện tử thực sự sẽ là mũi nhọn đột phá của kinh tế.
Để làm được điều đó, ngành công thương thành phố đã đề ra những mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, cụ thể cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp, tỷ lệ tham gia bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện nay đạt 5%, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ sẽ là trên 10%. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng di động là 9,1% và mục tiêu đề ra là tăng lên 12% trong vòng 5 năm tới.
Trên phương diện người tiêu dùng, giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi hộ dân hiện nay là khoảng hơn 5 triệu đồng, con số này được Sở Công thương đặt mục tiêu cho giai đoạn 5 năm tới là 12 triệu đồng mỗi hộ. Mục tiêu tỷ lệ kết nối internet để mua bán hàng hóa tăng từ 62,5% lên 75%.
Về các nhóm giải pháp được đặt ra để phát triển thương mại điện tử của thành phố, ông Sơn cho biết có 2 nhóm giải pháp chính. Đầu tiên là phát triển thị trường thương mại điện tử trong nước, trong đó, chú trọng vào việc tác động vào các yếu tố hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử như dịch vụ hoàn tất đơn hàng và thanh toán trực tuyến; bên cạnh đó, tác động vào niềm tin người tiêu dùng bằng việc tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về kỹ năng giao dịch thương mại điện tử an toàn, giúp người tiêu dùng biết cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hữu hiệu nhất.
"Bên cạnh đó là giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử trong nước và quốc tế: Kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất, kết nối nhóm doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp phân phối truyền thống và kết nối doanh nghiệp thương mại điện tử của thành phố với cộng đồng kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài", ông Sơn cho biết thêm.