Bộ Công thương: Những dự án nhiệt điện than đều xúc tiến đầu tư tốt, không thể loại bỏ
(DNTO) - Trước nhiều ý kiến góp ý về việc không phát triển thêm các dự án điện than mới, Bộ Công thương cho biết, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mới đây, các tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than, liên minh năng lượng, Đại sứ quán Đan Mạch đồng loạt gửi kiến nghị tới Bộ Công thương, đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Các tổ chức cũng đề nghị các dự án nhiệt điện than dự kiến trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh chuyển sang sử dụng điện khí (LNG), đồng thời, đề nghị loại bỏ vị trí quy hoạch nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, phần công suất thiếu hụt sẽ bù vào công suất nguồn LNG. Lý do được đưa ra là các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, không thu xếp được nguồn vốn đầu tư.
Trước những kiến nghị này, Bộ Công thương cho biết, hiện quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng. Đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt mà không thể loại bỏ, như Nhiệt điện Nam Định I, Nhiệt điện Thái Bình II, Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II....
Trong khi đó, sau năm 2035, hệ thống năng lượng quốc gia vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao. Vì vậy, để đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, trong Quy hoạch điện 8 đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ mới.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng công nghệ nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên, giai đoạn từ 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn (USC) trở lên, và sau năm 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến (AUSC).
Hiện công nghệ các nhà máy nhiệt điện than đã phát triển và tiến bộ vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, ngoài hiệu suất có thể lên tới hơn 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên, công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng đạt hiệu suất cao tương ứng để giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tại Úc, Nhật Bản hay Đức, nhiều dự án nhiệt điện than còn nằm ngay cạnh các đô thị lớn.
Thực tế cho thấy, phát thải từ nhà máy hiện được kiểm soát bởi hai lớp tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nguồn thải quy định nồng độ phát thải khí thải tại nguồn và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh áp dụng để kiểm soát nồng độ phát thải các loại khí thải trong không khí xung quanh nên phát thải ở mức rất thấp và được kiểm soát bằng hệ thống giám sát tự động về các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Do đó, Bộ Công thương cho biết, nồng độ các khí thải của các nhà máy nhiệt điện than sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến sức khỏe con người.
Ở khía cạnh khác, để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, Bộ Công thương cho rằng hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG thay than thì vẫn phải phụ thuộc vào bên ngoài, và nếu chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng.
Ngoài ra chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều (chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 2 tỷ USD/năm so với kịch bản chọn), không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện theo chi phí tối thiểu đã đặt ra.
Trong khi đó, kịch bản phát triển nguồn điện lựa chọn đã đảm bảo các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính theo các chính sách hiện hành. Nếu phát triển tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo, chi phí hệ thống sẽ cao hơn (kịch bản tăng năng lượng tái tạo sẽ cao hơn khoảng 1 tỷ USD/năm so với kịch bản chọn), không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện đặt ra.