Jessica O Matthews, bông hoa hiếm nở trong vườn công nghệ năng lượng
(DNTO) - Jessica O Matthews, cô gái da màu người Nigeria đã góp phần vào niềm tự hào của nữ giới khi mạnh dạn dấn thân vào thương trường ở một ngành vốn thường được xem là chỉ dành cho đàn ông, mảng công nghệ năng lượng.
Với sự giúp đỡ của các ngôi sao NBA bao gồm cả Magic Johnson, một công ty khởi nghiệp nhỏ của cô gái da màu Jessica O Matthews đang khiến những lục địa Mỹ và châu Phi suy nghĩ lại về cấu trúc năng lượng họ có, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Người phụ nữ trẻ gốc Nigeria này có một bản lý lịch khiến người nghe phải há hốc mồm kinh ngạc: 2 bằng Harvard, 11 bằng sáng chế và một giải thưởng Nhà khoa học năm của Quỹ Harvard. Matthews mới chỉ 32 tuổi nhưng đã sở hữu danh xưng nhà phát minh năng lượng và là vị CEO đang hút dòng tiền nhiều triệu USD từ các nhà đầu tư công nghệ. Ở thời điểm năm 2020 tại Mỹ, thành tích ấy đã là quá nhiều đối với một cá nhân, mà lại là phái nữ.
Mười năm trước, khi đang còn là một sinh viên đại học, Matthews và nhóm bạn học đã phát minh ra Soccket, một trái banh bóng đá có khả năng tạo ra năng lượng bằng pin khi nảy nhằm mục đích giúp lưu trữ điện cho các ngôi làng không có lưới điện ở châu Phi. Sáng tạo này lúc bất giờ đã thu hút được sự chú ý của Tổng thống Barack Obama và được các phương tiện truyền thông ca ngợi. Tuy nhiên Soccket không phát triển rộng rãi như một mặt hàng, một sản phẩm gia dụng, mà là tiền đề cho câu chuyện về cảm hứng dẫn đến một hiệu ứng biến đổi lớn ở tầm mức cao hơn.
Từ Soccket, Jessica O Matthews đã có suy nghĩ vĩ mô liên quan đến các vấn đề cơ sở hạ tầng năng lượng, một mục đích mà trái bóng ra đời chỉ là khởi động vạch hướng đi tìm lời giải khó. Cô đã thành lập Uncharted Power, một công ty năng lượng tái tạo có quy mô toàn diện. Bước đầu, vì là công dân Hoa Kỳ nhưng mang dòng máu Nigeria, Matthews tập trung vào mục tiêu mang lại một mạng lưới năng lượng thông minh tiên tiến cho vùng châu Phi cận Sahara. Nhưng dần dần, với những trận cháy rừng và lũ lụt tàn phá các hệ thống năng lượng tại Mỹ, cô nhận ra vấn đề phải được mở rộng ra ngoài phạm vi châu Phi. Thế là trọng tâm đã được chuyển sang việc tạo ra một giải pháp toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ.
Hiện tại, cô đang cố gắng phát triển một hệ thống “máy điện được lắp bằng” có thể truyền, định hướng và điều chỉnh năng lượng ngầm, giúp thay thế dây cáp trên cao nhờ dùng hệ thống truyền dẫn thông minh trên mặt đất, có thể tích hợp vào các dự án lắp điện vỉa hè và cả đường cao tốc. Jessica kỳ vọng, bước đột phá tiên phong này sẽ mang những nguồn điện và kết nối kỹ thuật số cần yếu đến các cộng đồng đang tìm cơ hội phát triển. Nếu thành công, công trình có thể thúc đẩy mở rộng cơ sở hạ tầng phân phối năng lượng, bằng thứ công nghệ vừa tránh được những khiếm khuyết của hệ thống dây điện trên cao vừa né được chi phí đi dây cáp ngầm.
Giống như ý tưởng về quả bóng đá đã lôi kéo được sự chú ý của một vị Tổng thống, nay Uncharted Power lại thu hút được sự quan tâm của cựu ngôi sao NBA Magic Johnson, khiến anh này vừa bỏ vốn đầu tư cho dự án vừa tình nguyện trở thành thành viên hội đồng quản trị của Matthews. Còn chính cô giờ đã trở thành vị đại sứ uy tín giữa châu Phi và Hoa Kỳ, giữa thế giới tài chính đầy những người da trắng giàu có và khối cộng đồng da màu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng lũ lụt, ô nhiễm không khí, thậm chí cả khả năng chi trả cho năng lượng điện sử dụng.
Như thế, từ việc phát minh ra quả bóng ở quy mô nhỏ, Jessica O Matthews đã cố gắng xây dựng một cuộc cách mạng năng lượng. Với cô, điều này sẽ truyền cảm hứng cho hàng tỷ người để họ nhận ra vai trò của mình trong việc dùng những việc nhỏ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn mà con người hằng mong muốn. Trong đó không thể thiếu việc cải tạo cơ sở hạ tầng để tiếp cận nguồn điện, giúp phá bỏ hố sâu chênh lệch giữa chi tiêu cho mỗi kilowatt năng lượng của một người dân Nigeria so với một người Mỹ.
Với Matthews, thứ công nghệ không được cập nhật trong 150 năm qua vẫn là kỹ thuật truyền tải và phân phối điện. Dây cáp trên cao rất dễ bị tổn thương nên có thể dẫn đến hỏa hoạn lớn và chết người. Còn nếu đặt chúng xuống lòng đất, chuyện ấy không chỉ tốn kém tiền lắp đặt mà tốn cả chi phí khi muốn nâng cấp. Hệ thống mà Uncharted Power của Jessica phát triển cho phép người ta dễ dàng giải bài toán vừa nêu. Bên cạnh đó nó còn có cả một hệ thống giám sát điện áp và các yếu tố môi trường rất thông minh, vừa nhanh chóng vừa phủ gọn trên từng mét vuông diện tích.
Để khởi nghiệp được như thế, Jessica Matthews – vừa là sinh viên MBA vừa mở công ty - đã phải mất hai năm di chuyển như con thoi giữa Boston và New York, mệt đến nỗi nhiều lúc cô nghĩ mình không thể tiếp tục được nữa. Tuy nhiên, cô vẫn tin tưởng vào hướng đi, vẫn đoan chắc với lý thuyết khởi điểm có từ Soccket. Đó là công nghệ năng lượng tương lai sẽ dấn lên một bước tiến mới khi nó được tạo ra bằng chính những hoạt động của cơ thể con người.
Quả bóng thần kỳ, “Trái táo Newton” mà Jessica O Matthews nhận được rơi đúng vào đám cưới người dì ở Lagos, Nigeria, lúc cô 19 tuổi khi đang theo học Đại học Harvard. Ngày ấy, cuộc vui đang hưng phấn thì… điện cúp. Nhà gái phải hì hục chạy máy phát điện dùng dầu diesel khiến thực khách hai họ phải ngửi khói. Cả Matthews cũng bị choáng và ho sặc sụa. Khách khứa đa phần có vẻ bình thản, bởi chuyện cúp điện ở ngôi làng nhỏ này diễn ra như cơm bữa. Người người vẫn cười nói, trẻ vẫn vô tư chơi bóng ngoài sân. Riêng Jessica thì không! Cô thực sự khó chịu. Từ nỗi bất bình ấy, một ý tưởng bất ngờ nảy sinh trong đầu, và bóng Soccket ra đời. Sau này cô rút ra chân lý: Chừng nào còn không cảm thấy khó chịu, cứ chấp nhận thực tại, bạn chẳng nghĩ được gì về cái mới.