Tín dụng tăng hơn 11%, Ngân hàng Nhà nước cấp thêm 'room' lần 2 cho các nhà băng
(DNTO) - Tối 28/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng với mức tăng khoảng 15%. Đến ngày 28/8 vừa qua, những ngân hàng đã cho vay trên 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp từ đầu năm đã được NHNN cấp thêm hạn mức.
Lần này là đợt nới room tín dụng thứ 2 trong năm nay. Theo thống kê, đến ngày 22/11 tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023, thấp hơn mức kỳ vọng.
Trong điều kiện lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, dưới mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN quyết định điều chỉnh thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm kịp thời đáp ứng vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. NHNN đã tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Việc bổ sung hạn mức này được NHNN chủ động thực hiện, không yêu cầu các ngân hàng phải đề nghị. Đồng thời, NHNN yêu cầu TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ và NHNN, quyết liệt tổ chức thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp.
'Quyết đạt tăng trưởng tín dụng 15%'
Với đà tăng trưởng trong 10 tháng qua, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, đánh giá, nhiều khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024.
Ông Huân cho hay: Dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện dần trong những tháng cuối năm và thông thường nhu cầu vốn của khách hàng trong nửa cuối năm tăng cao hơn nửa đầu năm. Thêm vào đó, quý cuối năm là mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp và tiêu dùng tăng kéo theo nhu cầu cao về vốn tín dụng.
"Hai động lực chính sẽ đến từ hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước cuối năm tăng lên", ông Huân nhận định.
Theo Tổng cục Thống kê, quý III/2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.591 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).
Quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngày 27/11 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 122 về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024. Trong đó, yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp đối với các lĩnh vực quan trọng, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất; tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các TCTD.
"Đưa tiền ra và hút tiền về nhịp nhàng, đồng bộ, hợp lý, không giật cục và tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng", Công điện nêu rõ và yêu cầu thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.