Tăng trưởng tín dụng phân hóa mạnh, việc quản chặt 95% hạn mức 'room' liệu còn cần thiết?
(DNTO) - Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ “buông” hạn mức tín dụng (room) đối với khoảng 5% thị phần và vẫn quản chặt 95%. Sau động thái “điều hoà” room từ đầu năm, một số ý kiến cho rằng nên bỏ công cụ điều tiết tăng trưởng tín dụng bằng room như các nước, bởi việc phân hạn mức thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
Cân nhắc thả dần từng bước hạn mức tín dụng
Trước đó, giới phân tích cũng như các đại biểu Quốc hội từng nhiều lần kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Thế nhưng, NHNN cho biết, áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. "Nếu thả nổi hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng tăng ảo cả nguồn lẫn tín dụng".
Tuy nhiên, mới đây, tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với 13 ngân hàng, NHNN cho hay, đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Thông tin này nhận sự quan tâm không chỉ trong hệ thống ngân hàng mà cả từ doanh nghiệp và thị trường bởi đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhất là những năm căng thẳng về room tín dụng. Trước đây, NHNN thực hiện phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu năm và trong năm xem xét phân bổ thêm các đợt để đạt kế hoạch tăng trưởng năm của ngành. Việc này khiến các nhà băng khó chủ động trong tăng trưởng tín dụng. Thậm chí có lúc dòng tiền bị nghẽn vì đợi phân bổ hạn mức từ NHNN.
Để “điều hoà” tín dụng, năm 2024 là lần đầu tiên NHNN phân bổ hết room cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình tín dụng năm nay tăng giảm không đồng đều, có ngân hàng tăng cao nhưng cũng có nơi tăng khá chậm và âm. Thực tế cho thấy, trong 3 quý của năm 2024, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng có sự phân hóa rất mạnh, room tín dụng nơi thừa, chỗ thiếu. Có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi tốc độ tăng trung bình toàn hệ thống.
Cụ thể tín dụng tính đến ngày 17/9 tín dụng tăng 7,38%. Tốc độ tăng trưởng này phụ thuộc rất lớn vào nền tảng tài chính lành mạnh, vốn dồi dào, kiểm soát được nợ xấu, hệ sinh thái và tệp khách hàng đa dạng, có lợi thế cho vay bất động sản… của các ngân hàng. Trong khi đó, vẫn có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Đây là nhóm các ngân hàng có chất lượng tài sản xấu, thanh khoản kém dồi dào, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường lớn, lãi suất cho vay kém cạnh tranh…, dù có được cấp hạn mức cao, cũng không thể tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, cuối tháng 8/2024, khi soát xét lại tăng trưởng dư nợ của từng đơn vị, nhà điều hành cũng tiếp tục thả hạn mức tín dụng đối với nhóm ngân hàng liên doanh có quy mô tổng tài sản dưới 50 nghìn tỷ đồng, công ty tài chính quy mô tài sản dưới 5 nghìn tỷ đồng, với điều kiện là không bị Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cảnh báo về an toàn hoạt động (nợ xấu, thanh khoản). Cộng dồn đến nay, NHNN đã thả nổi hạn mức đối với 5% thị phần tín dụng.
Đó là lý do nhiều lãnh đạo ngân hàng than phiền: “Đừng bàn về tăng định mức hay bỏ hay giữ room tín dụng nữa, vì chỉ tiêu thừa đầy mà có cho vay được đâu. Thị trường quá khó khăn là một chuyện, nhưng vấn đề khác là quá rủi ro, thậm chí còn dẫn đến lao lý nếu "cố đấm ăn xôi” để có được con số tăng trưởng nóng".
Công cụ thay thế room tín dụng?
Có thể thấy, việc giao chỉ tiêu tín dụng đã bộc lộ những hạn chế nhất định và đã đến lúc tính toán bỏ room. Các chuyên gia cho rằng, quyết định bỏ room tín dụng sẽ giúp ngân hàng mở rộng khả năng cung cấp tín dụng nhanh hơn, không bị giới hạn bởi các quy định của NHNN. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) ủng hộ việc bỏ cấp hạn mức tín dụng trong thời gian tới để các ngân hàng có thể chủ động trong kế hoạch kinh doanh. Đây là biện pháp hành chính nên không thể áp dụng trong thời gian quá lâu.
Dù vậy, vẫn còn lo ngại khi "gỡ rào" tín dụng thì có thể các ngân hàng sẽ quay trở lại việc phát triển theo chiều rộng dựa trên kỳ vọng của họ về việc cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, khi đó sẽ có thể đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành đến những lĩnh vực có rủi ro cao. Sau vụ việc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã đặt ra vấn đề kiểm soát sở hữu chéo và dòng vốn qua hệ thống ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN hối thúc, yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ cho vay "sân sau", lợi ích nhóm.
Theo đó, thời điểm bỏ room tín dụng phải đảm bảo NHNN vẫn có thể kiểm soát được lạm phát, đảm bảo cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, trước khi dỡ bỏ cấp hạn mức, NHNN cần đánh giá tính hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt.
"Nhà điều hành hoàn toàn có thể ngăn chặn tín dụng tăng nóng thông qua các công cụ hữu hiệu như các nước đang làm để kiểm soát tín dụng, chính sách tiền tệ. Đó là các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)…, sử dụng điều tiết qua công cụ dự trữ bắt buộc. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng nhanh, NHNN có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm.
Ngoài ra, NHNN hoàn toàn có thể ghìm cương tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua Hệ số an toàn vốn (CAR), mà không cần đến room tín dụng. Ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu, thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng. Đó là chưa kể một số chỉ tiêu kỹ thuật khác như quy định ngân hàng thương mại chỉ được cho vay 80% nguồn vốn từ thị trường dân cư, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Các quy định về hệ số rủi ro hiện nay cũng buộc các ngân hàng phải cân nhắc lĩnh vực cho vay hiệu quả, không rót quá nhiều vốn vào các lĩnh vực rủi ro.
"Các hệ số này phải đảm bảo an toàn hệ thống, đến khi bỏ hạn mức tín dụng thì các ngân hàng hoạt động an toàn, NHNN có thể kiểm soát và điều tiết được tín dụng qua các công cụ", ông Thịnh nói.